Đoàn Lục Nghi (24 tuổi) - sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM - bước vào năm học thứ 6 cùng với một niềm vui nho nhỏ, là học bổng sau những tháng ngày miệt mài học tập.
Nghi gói ghém số tiền học bổng trong chiếc bao thư tìm đến phòng công tác xã hội (CTXH) của Bệnh viện Chợ Rẫy. Ở trong "căn phòng nghĩa tình" (tên gọi nhiều bệnh nhân dành cho phòng CTXH), chị Đỗ Thị Thanh Lan - nhân viên tại đây - đã đón nhận tấm lòng của cậu sinh viên với một nụ cười quen thuộc, bằng tất cả sự trân trọng, yêu quý.
Nhà hảo tâm đặc biệt
Chị Lan kể: "Tôi làm việc tại bệnh viện đến nay 10 năm, có đến 9 năm trực tiếp tiếp nhận tấm lòng của Nghi dành cho bệnh nhân nghèo".
Lần đầu tiên Nghi đến trao tiền hỗ trợ, khi ấy vẫn còn là một học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Chị Lan bảo rằng, hôm ấy Nghi mặc bộ đồ thể dục của trường, người ốm nhom. Gặng hỏi mãi số tiền từ đâu mà có, Nghi mới nói số tiền ấy vừa nhận học bổng từ nhà trường. Chị nghẹn ngào, nước mắt chực chờ trào ra trước tình cảm của một cậu học sinh...
Từ sau lần đó, đều đặn mỗi năm 2 lần Nghi mang theo quỹ học bổng của mình đến phòng CTXH của Bệnh viện Chợ Rẫy giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Mỗi lần có sự xuất hiện của Nghi, chị Lan và các nhân viên trong phòng đều mừng, bởi không hỏi cũng biết rằng học kỳ vừa rồi Nghi đã rất nỗ lực và có kết quả xuất sắc.
Trước khi rời mái trường THPT, Nghi được nhà trường tuyên dương đạt thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Rồi sau đó thi đỗ vào Trường ĐH Y dược TP.HCM với số điểm 28,25 (toán: 9,25, hóa: 9 và sinh: 10). Chị Lan và những đồng nghiệp vui lây, bởi sắp sửa có thêm một đồng nghiệp giỏi, tình cảm, năng nổ trong hoạt động công tác xã hội vì bệnh nhân nghèo.
Trong 6 năm là sinh viên, Nghi không ngừng nghỉ nỗ lực học tập, đem "quả ngọt" kiến thức của mình đều đặn lui tới với bệnh nhân khó khăn. Nghi nói: "Càng học, kiến thức sẽ càng khó hơn, đồng nghĩa với việc khó đạt được học bổng. Nhưng khi nghĩ đến những bệnh nhân khó khăn, thiếu kinh phí điều trị đã thôi thúc mình cố gắng học và học thật giỏi. Với mình, học giỏi không chỉ cho mình kiến thức mà còn góp sức giúp đỡ bệnh nhân nghèo".
Cho đi là còn mãi
Ba của Nghi làm công nhân viên nhà nước. Mẹ là thợ may. Cả gia đình 3 người sống trong một căn nhà chật chội khoảng 30m2 ở quận 10. Con hẻm dẫn vào nhà chỉ rộng khoảng 2m ngoằn ngoèo. Nhà Nghi nằm ở cuối hẻm.
Từ nhỏ Nghi đã theo mẹ, bà Lục Thị Yến Nga (51 tuổi), vào các bệnh viện để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Cả hai mẹ con từng đến nhiều bệnh viện như Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2...
Những lần đến với người bệnh ấy, Nghi dần hiểu ý nghĩa của việc cho đi, bắt đầu có sự nhạy cảm đặc biệt. Nghi biết nhìn sâu, cảm thông và mong muốn được sẻ chia nhiều hơn, đặc biệt là sẻ chia với những hoàn cảnh bất hạnh. Đó cũng là hình ảnh khởi nguồn gắn kết Nghi với bệnh nhân khó khăn đến bây giờ.
"Có lần đi thực tập trong bệnh viện, mình về khuya, thấy một người cha trải chiếu nằm ôm con ngủ ở hành lang. Mình đứng lặng. Lần khác, có một bệnh nhi là trẻ mồ côi mắc bệnh tim nặng được những cha mẹ nuôi trong trại trẻ cưu mang rồi chạy Nam chạy Bắc để chữa trị cho bé. Mình nghẹn ngào, xúc động... Mình chỉ mong góp chút sức lực của mình giúp những hoàn cảnh khó khăn có thêm kinh phí điều trị" - Nghi nói, phía sau kính cận là đôi mắt đỏ hoe.
Dù đã làm được rất nhiều việc ý nghĩa nhưng Nghi chưa bao giờ coi đó là việc làm lớn lao. "Việc mình làm rất nhỏ, chỉ như hạt cát giữa nhiều tấm lòng nhân ái khác" - Nghi nói và bảo rằng đang từng ngày nỗ lực để sớm trở thành một bác sĩ vững nghề, sẽ là điểm tựa của những bệnh nhân.
ThS Lê Minh Hiển - trưởng phòng CTXH (Bệnh viện Chợ Rẫy) - chia sẻ trong số rất nhiều nhà hảo tâm, Đoàn Lục Nghi mang đến nhiều tình cảm xúc động. "Nghi là nhà hảo tâm nhỏ tuổi nhất và gắn bó với các hoạt động thiện nguyện của bệnh viện đã 9 năm nay. Chúng tôi xúc động và thán phục, bởi em có lòng nhân ái và giúp bệnh nhân bằng chính sức học của mình" - ông Hiển bày tỏ.
Nguồn: