Cậu bé khiếm thị và ngón đàn đam mê

Thứ Ba, 07/03/2023

Lớn lên trong bóng tối, chưa một lần thấy ánh sáng cuộc đời, cũng không được thấy mặt mũi nghệ sĩ và cây đàn thế nào, vậy mà cậu bé khiếm thị này vẫn say mê đàn hát và sử dụng được nhiều nhạc cụ với năng khiếu kỳ lạ.

Nghị rất mê và giỏi đàn hát dù chưa bao giờ được nhìn thấy cây đàn và ca sĩ - Ảnh: T.HƯỚNG

Nghị rất mê và giỏi đàn hát dù chưa bao giờ được nhìn thấy cây đàn và ca sĩ - Ảnh: T.HƯỚNG

Chúng tôi men theo con đường nhỏ dẫn ra cầu treo Kon Klor (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), bỗng nghe tiếng đàn hát vang vọng. Đó là tiếng đàn của Phan Khương Nghị, cậu bé khiếm thị 12 tuổi, đầy nghị lực vượt lên bóng tối và có năng khiếu kỳ lạ với âm nhạc.

Tuổi thơ và 50/50 sống hay chết

Nghị vui vẻ chào khách rồi say mê đàn organ và hát nhiều bài tuổi thơ hồn nhiên. Nhìn cậu bé như "nghệ sĩ nhập thần" với cây đàn và lời hát, khó ai nghĩ cậu đang hoàn toàn sống trong bóng tối. Cậu còn hào hứng nói nhà thiếu nhạc cụ, nếu không cậu sẽ đàn thêm piano, thổi sáo, kèn harmonica, melodion tặng chúng tôi. Nhưng đó là câu chuyện của hôm nay, 12 năm trước cậu đã chào đời trong bóng tối số phận...

Nghị là con trai út của vợ chồng chị Vũ Thị Tố Lan và anh Phan Văn Kế. Trong căn nhà nhỏ chừng 60m2, chị Lan chùng giọng kể về bi kịch cuộc đời người con trai út vào 12 năm trước. Khi chị mang thai được gần bảy tháng bỗng trở dạ sinh non. Nghị chào đời chỉ nặng 1,2kg, sức khỏe yếu ớt nên được nuôi trong lồng kính 32 ngày.

"Thời gian sau đó, Nghị tiếp tục được chăm sóc tích cực hơn ba tháng tại bệnh viện để ổn định sức khỏe. Về nhà được không bao lâu thấy con có dấu hiệu về mắt, gia đình đưa Nghị đi chuyên khoa kiểm tra. Lúc này các bác sĩ bảo Nghị đã bị bong võng mạc", chị Lan thở dài nhớ lại.

Người mẹ này kể ngày đó bác sĩ nói mắt con mình bị bong võng mạc nặng và đưa ra phương án phẫu thuật nhưng chỉ 50/50. Nghe vậy chị thầm nghĩ là giữa cái sáng và cái tối, hy vọng sẽ chữa lành đôi mắt cho con. Đặt tay vào bản cam kết, chị mới vỡ lẽ đó là 50/50 giữa cái sống và cái chết khi phẫu thuật để giữ đôi mắt cho con.

"Lúc đó, tôi và gia đình suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng nghĩ lại nếu chỉ là dựa vào may mắn thôi thì tôi không thể chấp nhận được. Nếu như 50/50 giữa sáng và tối tôi sẽ đồng ý ngay, còn giữa sống và chết thì đánh đổi quá lớn", chị Lan trải lòng.

Trong căn phòng nhỏ với những đồ vật được sắp xếp gọn gàng để cậu bé khiếm thị đi lại dễ dàng hơn, Nghị tò mò vui vẻ hỏi mẹ: "Sao lại 50/50, giữa cái sống và cái chết là thế nào mẹ?". Trước câu hỏi hồn nhiên của con mà khơi lại nỗi đau thắt lòng ngày ấy, chị Lan cố nhẹ nhàng trả lời theo sự hiểu biết giản đơn của mình: "Bởi vì lúc mới sinh con rất nhỏ. Con bé xíu như cái chai nhựa thôi. Khi gây mê, tim con có thể ngừng đập bất cứ lúc nào. Thế nên mẹ không chấp nhận chuyện đó".

Người mẹ đưa mắt ra hiên nhà rồi thở dài nói vợ chồng từng nghĩ tặng mắt mình cho con nhưng không thể thay thế được. Chị đành chấp nhận và dành thời gian chăm sóc như bù đắp cho con nhiều hơn.

Hiện tại mọi sinh hoạt cá nhân Nghị tự làm, có thể tắm rửa, giặt giũ đều tự lo được. Cậu bé chỉ hay đau ốm với đường hô hấp, tiêu hóa yếu. Chuyện ăn uống của cậu cũng kém hơn những đứa trẻ khác dẫn đến ngoại hình thua sút.

Nghị ước mơ mai này sẽ làm có tiền, đỡ đần mẹ bớt vất vả

Nghị ước mơ mai này sẽ làm có tiền, đỡ đần mẹ bớt vất vả

Từ khi Nghị còn bé đến giờ, trái tim tôi không hề nghĩ con là người khiếm thị. Tôi dạy anh trai Nghị thế nào là dạy con như thế. Những đứa trẻ khác như thế nào thì con cũng vậy thôi. Con vẫn vui vẻ học hành, hạnh phúc và có ước mơ tươi sáng như bao trẻ khác.

Chị VŨ THỊ TỐ LAN

Con mong mắt sáng trở lại

Mặc dù đôi mắt Nghị không thể sáng như bao bạn bè trang lứa, nhưng tinh thần cậu bé luôn lạc quan, hòa đồng với mọi người. Cậu vẫn nhớ rằng lúc lên 5 tuổi được gia đình cho đi học văn hóa tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh Kon Tum. Ở đó, Nghị được các cô tận tình chăm sóc dạy bảo, vui chơi cùng bạn bè có hoàn cảnh tương tự.

Rất mê đàn hát và tìm tòi tự học thêm đàn hát, cậu bé được chương trình Điều ước thứ 7 biết đến, cho đi học miễn phí 100% ở một trường tại TP.HCM. "Hiện con đang học văn hóa, đàn hát, hướng dẫn sử dụng phần mềm dành cho người khiếm thị ở mái ấm Thiên Ân ở quận Tân Phú", Nghị khoe.

Chị Lan đưa mắt về phía cậu con trai khiếm thị rồi tiếc nuối tâm sự hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thể thuê nhà ở cùng bên con. "Tôi chọn mái ấm do người thầy bị khiếm thị lập ra 20 năm trước. Ở đó có các sơ (nữ tu Thiên Chúa giáo - PV) dạy học, cơ sở vật chất cũng đầy đủ và đảm bảo nên không phải lo lắng gì. Tôi chỉ tiếc không thể đi theo chăm sóc con", chị Lan tâm sự.

Nghị ngồi nghe mẹ nói chuyện, cậu mân mê cây đàn và nói đi học xa nên rất nhớ nhà. Nhiều hôm cậu trốn vào góc nhà đứng khóc. "Con lúc nào cũng nhớ nhà, nhớ ba mẹ. Con ước mắt mình được sáng lại để đi học như bạn bè con. Rồi con được ở gần ba mẹ, đi chơi, đi du lịch nữa", cậu bé hồn nhiên nói về ước mơ của mình.

Chị Lan quay clip cho con và ước mong con được phát triển năng khiếu âm nhạc

Chị Lan quay clip cho con và ước mong con được phát triển năng khiếu âm nhạc

Chơi được nhiều nhạc cụ

Nghị vẫn nhớ rằng khi mình còn bé đã được mẹ mua cho một cây đàn nhỏ. Âm nhạc khiến cậu thích thú nên ngày ngày cứ ôm lấy cây đàn tự tập tành. Cô Mai Thị Dung - hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, người từng dạy đàn cho Nghị tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum - kể cậu bé khiếm thị nhưng rất thông minh và có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc.

"Nghị có năng khiếu nằm ngoài khả năng đáp ứng của nhà trường. Ở Kon Tum không có phương pháp riêng và đủ điều kiện vật chất để dạy học cho Nghị phát triển. Dạy đàn hát cho trẻ khiếm thị phải có trung tâm chuyên biệt, còn dạy như trẻ bình thường thì không thể được. Nhà trường rất trăn trở, ở địa phương không có phương pháp dạy cho người khiếm thị mà bỏ phí một nhân tài rất là tiếc", cô Dung nhận xét và mong cậu bé được phát triển tài năng.

Hiện cậu bé đã có kênh YouTube tên Khương Nghị để đăng tải những video đàn hát yêu thích của mình. Mẹ cậu đã quay và đăng tải giúp con. "Giờ con được các thầy cô ở mái ấm Thiên Ân dạy thêm nên chơi được nhiều loại nhạc cụ như đàn organ, piano, sáo, kèn harmonica, melodion và con cũng đang học thêm nhạc cụ khác. Chứ trước đây con chỉ mày mò tự học nên còn dở, không đăng lên kênh YouTube như bây giờ", cậu bé hồn nhiên tâm sự và nói ước mơ một ngày được lên sâu khấu biểu diễn...

Mai này con sẽ làm thầy giáo dạy người khiếm thị

Cậu bé Khương Nghị vui vẻ cho biết sẽ cố gắng học thật giỏi, sau này có thể dạy vi tính cho người khiếm thị như thầy giáo của mình. "Từ khi hiểu được mắt không nhìn thấy, con cũng không buồn lắm đâu. Con nghĩ con vẫn là một người bình thường, chỉ là mắt không nhìn được như mọi người thôi. Mai mốt lớn lên, nếu có điều kiện con cũng muốn mở một mái ấm để dạy vi tính, dạy nhạc cho những người bạn giống mình. Lúc đó, ngoài dạy các bạn cùng cảnh ngộ, con sẽ dành dụm tiền để đưa ba mẹ đi chơi và mua nhà cho ba mẹ chứ không phải ở nhà thuê như bây giờ", Nghị hồn nhiên nói.

Liên kết website