Bữa cơm ngon và giúp những người khó khăn tiết kiệm được vài chục ngàn đồng - Ảnh: XUÂN ĐOÀN
Những người có hoàn cảnh khó khăn đều được đội ngũ "Bếp cơm nghĩa tình" chào đón niềm nở với phương châm "trao yêu thương, nhận lại nụ cười".
"Khách" tới ăn tại "Bếp cơm nghĩa tình" chủ yếu là người lớn tuổi, trẻ em nhà nghèo, người bán vé số, phụ hồ, chạy xe ôm...
Ông Xuyên (chạy xe ôm) thường tới đây ăn trưa, ông khen cơm nấu ngon
Ông Xuyên (65 tuổi) cho biết ông chạy xe ôm ở khu vực Lái Thiêu, vợ đi bán vé số dạo. Một tháng nay, trưa nào vợ chồng ông cũng tới đây ăn cơm. "Sáng giờ chưa chạy được cuốc xe nào, nhờ có địa điểm này mà tôi đỡ được 30.000 ngàn tiền đi ăn quán. Ở đây nấu ăn rất ngon và sạch sẽ" - ông Xuyên nói.
Ông Chánh (75 tuổi, ngụ phường Bình Nhâm) kể ông bị viêm đa khớp mười mấy năm nay. Từ lời giới thiệu của hàng xóm, ông đạp xe lặn lội xuống Lái Thiêu ăn thử. Điều làm ông bất ngờ là khi ông vừa tới, thấy ông đi lại khó khăn, liền có người ra đỡ vào bàn ngồi rồi mang cơm ra.
Đến với "Bếp cơm nghĩa tình", những ai lớn tuổi hoặc đi lại khó khăn chỉ cần vào bàn ngồi là có nhân viên phục vụ tận nơi. Những ai khỏe mạnh hơn thì xếp hàng nhận cơm. Ăn xong có trà đá mát lạnh, thỉnh thoảng có trái cây tráng miệng.
Một suất ăn của Bếp cơm nghĩa tình. Vài bữa sẽ có món tráng miệng như chuối, dưa hấu…
"Bếp cơm nghĩa tình" cũng thay đổi thực đơn mỗi ngày. Một khay cơm sẽ có một món mặn luân phiên từng ngày như gà kho, xíu mại, thịt kho đậu hủ, thịt kho tôm... đi kèm các món rau, canh...
Với một số trường hợp không đi lại được, bếp ăn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ phường Lái Thiêu xác minh rồi sẽ có người mang cơm tới.
Thành viên Hội chữ thập đỏ cũng tới hỗ trợ Bếp cơm nghĩa tình
"Bếp cơm nghĩa tình - bữa ăn 0 đồng" là tâm nguyện ấp ủ nhiều năm qua của ông Trần Văn Tuấn (46 tuổi, ngụ tại phường Lái Thiêu), được chính thức thành lập vào ngày 18-6-2024.
Ông Tuấn chia sẻ ông có "máu" làm từ thiện được truyền từ mẹ. Ông từng có ý định thành lập một viện dưỡng lão để chăm sóc cho những người lớn tuổi. Tuy nhiên, vì một số lý do, dự định đó bị dừng lại.
Nhưng đã có "máu" trong người, ông không từ bỏ.
Một bữa ăn đông khách của Bếp cơm nghĩa tình
Để có được "Bếp cơm nghĩa tình", ông Tuấn đầu tư khoảng 1 tỉ đồng để sửa chữa xây mới mặt bằng... Mỗi tháng trả 10 triệu tiền thuê mặt bằng, mỗi ngày chi gần 10 triệu mua đồ nấu ăn phục vụ bà con.
Nhân viên, người nhà được huy động phục vụ cho bếp cơm và mỗi người một nhiệm vụ rõ ràng. Ngoài ra, mỗi bữa đều có các thành viên Hội Chữ thập đỏ phường Lái Thiêu phụ giúp một tay. Bếp cơm hoạt động từ 11h - 12h30 từ thứ hai đến thứ sáu.
Mỗi trua từ thứ hai tới thứ sáu trong tuần, Bếp cơm nghĩa tình phục vụ hàng trăm suất ăn
Ông Tuấn kể những ngày đầu mới thành lập, dự tính phục vụ mỗi ngày khoảng 300 suất nhưng sau đó số người tới ăn tăng vọt và tới nay tăng lên hơn 600 suất.
Cũng có người muốn đóng góp nhưng ông cương quyết không nhận tiền hỗ trợ. Ai muốn ủng hộ nhu yếu phẩm như gạo, rau củ, trái cây thì cứ mang tới.
Ông Tuấn cho biết khi bếp ăn ổn định rồi, ông sẽ tiến tới nấu cơm hỗ trợ cho những người nghèo trong các bệnh viện.
"Giờ mình làm bếp ăn này giống như chạy rô đa làm quen, ổn định rồi mình sẽ nấu cơm cho các bệnh viện gần đây. Ở đó có những người thập phương, người nghèo không có tiền ăn lại còn đau ốm, tốn viện phí. Dự định của mình nhiều lắm, sợ có đủ sức làm không thôi" - ông Tuấn chia sẻ.
Kể những ngày đầu khi nghe ông Tuấn đề xuất muốn mở một bếp ăn 0 đồng phục vụ người nghèo, bà Huỳnh Thị Thanh Tâm - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Lái Thiêu - nói hội nhiệt tình ủng hộ vì bà biết một bữa ăn ngon, miễn phí là điều bà con đang rất cần.
Và khi bếp ăn đi vào hoạt động, thành viên của Hội cũng cùng thay phiên nhau tới phụ tổ chức, bưng bê, rửa chén...