Nữ sĩ quan “mũ nồi xanh” Vũ Nhật Hương đã vượt qua môi trường làm việc khắc nghiệt tại Trung Phi - Ảnh: NVCC
Trở về nước sau 379 ngày thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ MINUSCA - Cộng hòa Trung Phi, đại úy Vũ Nhật Hương (32 tuổi, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam) đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và bạn bè quốc tế.
Ngày 7-2-2023, tại buổi lễ tổng kết nhiệm kỳ của tổ công tác tại phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Cộng hòa Trung Phi, thượng tướng Hoàng Xuân Chiến - thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tổ trưởng tổ công tác liên ngành, trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng - chia sẻ ấn tượng với nhiệm kỳ công tác của đại úy Hương với nỗ lực truyền tải hình ảnh, viết bài, đưa tin về những hoạt động gìn giữ hòa bình của phái bộ, trong đó có hình ảnh của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Chúng ta có quyền tự hào về những sĩ quan "mũ nồi xanh" của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam. Những quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tô thắm thêm hình ảnh của bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè quốc tế, nhân dân trên thế giới và đặc biệt ở các địa bàn.
Thượng tướng HOÀNG XUÂN CHIẾN (thứ trưởng Bộ Quốc phòng)
Tháng 12-2021, nữ quân nhân Vũ Nhật Hương nhận quyết định lên đường làm nhiệm vụ tại phái bộ MINUSCA và đảm nhận vị trí sĩ quan truyền thông. Đây là vị trí Việt Nam mới đảm nhiệm, dành riêng cho nữ quân nhân, đáp ứng chủ trương bình đẳng giới và gia tăng số lượng nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Hơn một năm đảm nhận nhiệm vụ tại phái bộ, nữ sĩ quan xúc động nhớ lại đã trải qua rất nhiều kỷ niệm "lần đầu tiên". Đó là lần đầu tiên chị được làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa ngôn ngữ. Là lần đầu tiên chị được trải nghiệm bay trên những chiếc trực thăng; có khi trực thăng tăng giảm độ cao bất chợt, nếu không có sức khỏe tốt thì khó mà có thể vượt qua được điều đó.
Ở phái bộ, chị được ví như "phóng viên hiện trường" do công việc đòi hỏi phải di chuyển liên tục, chủ yếu làm việc ngoài trời. Chị Hương cho biết có những ngày tác nghiệp trong cái nắng bỏng rát ở Trung Phi lên đến hơn 40 độ C.
"Ấn tượng nhất có lẽ là những chuyến công tác tháp tùng tư lệnh, phó tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình tại phái bộ, tham gia vào các chuyến công tác kiểm tra tại các phân khu, đơn vị. Tôi đã có những lần tham gia trực tiếp là đại diện của phòng truyền thông, phỏng vấn chỉ huy trưởng các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ. Ở đó tôi được tham gia phỏng vấn riêng, lấy những tài liệu quý để viết bài" - chị Hương bày tỏ.
Ban đầu chị được triển khai với vai trò là một phóng viên ảnh. Nhưng nhờ quá trình đào tạo, tập huấn ở Việt Nam trước đó, chị đã trở thành phóng viên "đa-zi-năng", có thể đảm nhận được nhiều công việc khác nhau như viết báo, chụp ảnh. Rất nhiều lần những bức ảnh của nữ quân nhân Vũ Nhật Hương chụp lại đã trở thành bức ảnh ấn tượng của ngày, của tuần và được sử dụng trong tạp chí của phái bộ.
Nữ sĩ quan "mũ nồi xanh" Vũ Nhật Hương đã vượt qua môi trường làm việc khắc nghiệt tại Trung Phi - Ảnh: NVCC
Trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ, các sĩ quan "mũ nồi xanh" Việt Nam đã được tham gia các khóa huấn luyện tiền triển khai, trau dồi khả năng ngoại ngữ, tìm hiểu sâu về lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, các khóa học sinh tồn, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước.
Chị Hương chia sẻ nhờ được đào tạo kỹ lưỡng, các sĩ quan Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu, đòi hỏi và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại phái bộ.
Tuy nhiên, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc vốn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, đặc biệt với nữ giới thì thử thách càng nhân lên gấp bội. Ở Trung Phi, việc thiếu nước, thiếu điện, ô nhiễm môi trường diễn ra thường xuyên, chưa kể họ còn phải đối mặt với xung đột, bất ổn về chính trị, dịch bệnh, nạn đói...
"Đến đất nước xa xôi, mới đầu còn khá bỡ ngỡ, nhưng anh em chúng tôi luôn đoàn kết, giúp đỡ và động viên lẫn nhau để vượt qua khó khăn, thử thách. Trong 379 ngày thực hiện nhiệm vụ đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều, không những trưởng thành trong cuộc sống mà còn trưởng thành ở trong môi trường quân ngũ" - đại úy Hương giãi bày.
Bên cạnh nhiệm vụ được giao, trong nhiệm kỳ của mình, chị còn tích cực tham gia vào các hoạt động quân dân kết hợp để giúp đỡ trẻ em và người dân bản địa.
Đó là những chuyến đi đến các trường học chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục giới tính cho các bé gái, trao tặng quần áo và sách vở cho học sinh, đồng thời tham gia các sự kiện giới thiệu về văn hóa, con người Việt Nam trong các ngày lễ tết cho bạn bè quốc tế.
Trở về Việt Nam sau hơn một năm công tác, nữ quân nhân cho biết đã tích lũy, trau dồi được thêm nhiều kinh nghiệm, đặc biệt phong thái làm việc tự tin hơn trong môi trường quốc tế. Chị cũng thường xuyên truyền đạt kinh nghiệm cho các sĩ quan sẵn sàng thay thế vị trí, đảm nhận nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở các phái bộ.
"Đối với vị trí sĩ quan truyền thông, các bạn cần chuẩn bị, trang bị cho bản thân những kỹ năng truyền thông, kỹ năng viết bài, chụp ảnh, ghi hình và có thể độc lập tác chiến. Ngoài ra, cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, tự tin trong môi trường đa quốc gia, chuẩn bị sức khỏe tốt trong môi trường khắc nghiệt" - chị cho biết.
Trải nghiệm quý giá trong nhiệm kỳ công tác ở Trung Phi đã giúp chị cảm nhận được giá trị của hai chữ "hòa bình".
Khi đến một đất nước xa xôi, trải qua nhiều khó khăn, tôi mới thấu hiểu được giá trị của hai chữ "hòa bình"! Ở đó, lòng tự hào dân tộc, lòng quyết tâm phải tô thắm hình ảnh đẹp của đất nước, hình ảnh của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quân đội thôi thúc tôi làm những điều tốt nhất, để lại hình ảnh đẹp nhất trong lòng bạn bè quốc tế, đồng nghiệp cũng như người dân địa phương.