Phòng chạy thận đang được gấp rút thực hiện các công đoạn cuối cùng. Căn phòng này được thiết kế khá gần gũi thiên nhiên, trên tường được dán tranh có màu xanh hy vọng của bầu trời và cây cối, có đàn chim chao lượn, phía dưới là sóng biển - Ảnh: Bệnh viện Lê Văn Thịnh cung cấp
Ngày cuối tuần, bác sĩ Trần Văn Khanh - giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) - gửi cho Tuổi Trẻ Online hình ảnh và thông báo một tin vui: "Đơn vị chạy thận sắp xong rồi. Đã có 13 bệnh nhân đăng ký chạy thận nhân tạo tại Cần Giờ. Tất cả đều đã được lên lịch, bao nhiêu cực nhọc của bệnh viện cũng chỉ mong bệnh nhân bớt khổ".
Như vậy sau một tháng khảo sát, thiết kế phòng ốc và lắp ráp các hệ thống máy móc, đơn vị chạy thận nhân tạo đầu tiên tại Bệnh viện huyện Cần Giờ đã thành hình và sắp đi vào hoạt động. Đây cũng là mơ ước của những bệnh nhân suy thận tại Cần Giờ, vốn phải vượt đường sá xa xôi lên các bệnh viện trung tâm của TP.HCM chạy thận.
Bác sĩ Khanh chia sẻ đơn vị chạy thận sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 11-10, chia làm ba ca. Mỗi ca có năm máy lọc thận hoạt động (dự tính cần thêm năm máy lọc thận).
Trong số các bệnh nhân suy thận đăng ký chạy thận ở Bệnh viện huyện Cần Giờ có anh Huỳnh Tấn Tài (34 tuổi, ngụ xã đảo Thạnh An) - nhân vật trong loạt bài: "Gian nan hành trình chữa bệnh" đăng trên Tuổi Trẻ ngày 6-8.
Hành trình lên TP.HCM chạy thận với anh Tài là một cực hình. Nếu tính giờ mất 25 tiếng, nếu tính ngày mất hai ngày; một tuần ba lần, Tài mất đến sáu ngày đi chạy thận.
Cũng chính từ loạt bài trên, ngành y tế TP.HCM quyết định thiết lập đơn vị chạy thận tại Bệnh viện huyện Cần Giờ, mà đơn vị xung phong là Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Hệ thống camera đã được thiết lập, giúp theo dõi và kiểm soát các khâu chạy thận - Ảnh: Bác sĩ Khanh cung cấp
Để chuẩn bị cho đơn vị chạy thận này, từ cuối tháng 8, đoàn công tác của Sở Y tế TP.HCM cùng Bệnh viện Lê Văn Thịnh đến Bệnh viện huyện Cần Giờ khảo sát. Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Trung tâm Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ, số bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo tại huyện là 41 người.
Trong đó, đang chạy thận tại các bệnh viện tuyến trên có 38 người và đang suy thận giai đoạn 4 - 5 có ba người. Đó là chưa kể những người qua Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu chạy thận và đơn vị vẫn đang tiếp tục rà soát.
"Cần Giờ chưa có máy lọc thận. Hệ thống phòng ốc thiết kế cho lọc thận từng được triển khai hồi dịch COVID-19 nhưng đành gác lại vì không có nhân lực", bác sĩ Huệ nói và cho hay rất vui mừng khi được sự "chi viện" từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh.
Còn với Huỳnh Tấn Tài, đây là tin vui nhất mà anh chờ đợi suốt nhiều năm qua. "Tôi đang chờ đợi ngày được chạy thận tại Cần Giờ, đỡ tốn chi phí và thời gian đi lại" - anh Tài xúc động nói.
Và đây cũng sẽ là đơn vị chạy thận thứ 40 trên địa bàn TP.HCM. Sở Y tế cũng đã đề nghị Bảo hiểm xã hội TP.HCM xem xét chi trả chi phí chạy thận cho người dân Cần Giờ có thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định.
Bệnh viện huyện Cần Giờ - nơi đặt đơn vị chạy thận nhân tạo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Văn Khanh (trái) cùng bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ kiểm tra đường dẫn hệ thống phòng ốc tại Bệnh viện Cần Giờ vào cuối tháng 8-2023 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết việc chi viện cho Cần Giờ xuất phát từ trách nhiệm của một công dân thành phố và trong phạm vi nghề nghiệp có thể hỗ trợ. Khi biết câu chuyện bà con phải lặn lội chạy thận xa xôi, ông đã gọi điện cho bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ và được trả lời: "Nếu làm được, hãy giúp Cần Giờ ngay".
Với kinh nghiệm chạy thận nhân tạo, đặc biệt đã từng thiết lập hệ thống chạy thận nhân tạo trong khu cách ly COVID-19, bác sĩ Khanh nhận lời ngay.
"Đây là việc người dân đang rất cần. Không riêng gì Bệnh viện Lê Văn Thịnh, các bệnh viện khác nếu có thể chung tay làm được gì thì cứ tham gia. Sẽ quyết tâm làm vì 41 bệnh nhân chạy thận đang phải lặn lội khắp nơi, cố gắng làm xuyên lễ cũng được" - bác sĩ Khanh nói.
Và mục tiêu cũng như lời hứa đầu tháng 10-2023 sẽ có đơn vị chạy thận ở Cần Giờ đang dần trở thành sự thật.
tuoitre.vn