Tiếp sức để thanh niên khởi nghiệp: (Kỳ 2) - Cần điều chỉnh mức trần hỗ trợ

Thứ Hai, 27/03/2023

Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, thực sự là "đòn bẩy" giúp thanh niên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của Nghị quyết trong giai đoạn mới và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên về nguồn vốn, cần có sự điều chỉnh hợp lý cho phù hợp với thực tế hiện nay.

Tiếp sức để thanh niên khởi nghiệp: (Kỳ 2) - Cần điều chỉnh mức trần hỗ trợ

Trong Lễ ra quân Tháng Thanh niên 2023, Tỉnh đoàn đã trao số tiền 7 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Kiều Ân

Nhu cầu vay vốn lớn

Nghị quyết số 43 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Theo đó, nguồn vốn hỗ trợ năm 2019, 2020 mỗi năm 5 tỷ đồng; năm 2021, 2022 mỗi năm 10 tỷ đồng. Mức vốn vay tối đa là 500 triệu đồng/mô hình, dự án. Cụ thể hơn, với khoản vay từ trên 50 triệu đồng đến tối đa 500 triệu đồng, thanh niên phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay (gọi tắt là hình thức vay thế chấp); còn với khoản vay 50 triệu đồng hoặc thấp hơn sẽ không cần tài sản đảm bảo (gọi tắt là hình thức vay tín chấp). Từ thực tế cho thấy, mức vay hiện đang áp dụng còn thấp so với nhu cầu thực tế của thanh niên. 

Anh Nguyễn Đắc Đạo (xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn) cho biết: "Mô hình phát triển kinh tế của tôi là nuôi vịt đẻ trứng. Được các cấp bộ Đoàn quan tâm, tôi được vay vốn tín chấp 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 43. Nguồn vốn này rất thiết thực nhưng thực tế, mức cho vay như vậy còn rất thấp". Bởi vì với số lượng 10.000 con vịt, mỗi ngày, anh Đạo phải chi trung bình 20 triệu đồng tiền cám cho vịt. Trong khi đó, anh Đạo còn tận dụng một số loại nông sản như thóc, ngô, khoai kết hợp với rau xanh, ốc bươu vàng... để trộn lẫn chứ không sử dụng 100% cám công nghiệp. Bên cạnh đó, thức ăn chăn nuôi trong thời gian qua liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gần gấp đôi so với năm 2020, khiến người chăn nuôi rất vất vả để duy trì đàn vật nuôi, bất đắc dĩ lại phải vay vốn từ nhiều nguồn khác. Còn đối với khoản vay thế chấp, mức vay tối đa cho một mô hình, dự án là 500 triệu đồng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thanh niên trong giai đoạn hiện nay. 

Theo anh Lê Văn Tiên (thôn Văn Hà 2, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn): Để hoàn thiện mô hình sản xuất nông sản sạch, tôi cần nguồn vốn hàng tỷ đồng để đầu tư hệ thống nhà kính, hệ thống tưới, ánh sáng, chi phí phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... Với sự đồng thuận của gia đình, năm 2021, tôi đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bố mẹ để vay 300 triệu đồng qua Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Viễn theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh. Hiện nay nhu cầu về vốn của tôi vẫn rất lớn, nhưng do quy định về mức vay tối đa của một mô hình, dự án là 500 triệu đồng nên gây khó khăn cho tôi khi muốn vay thêm vốn. 

Ông Nguyễn Tiến Hải, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gia Viễn cho biết: So với các nguồn vốn vay khác cho thanh niên như Quỹ Quốc gia về việc làm qua kênh Trung ương Đoàn (Nguồn vốn 120), vốn hộ nghèo..., nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh khẳng định sự ưu việt, hiệu quả vì lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài, tốc độ giải ngân vốn nhanh... Từ thực tế tại huyện Gia Viễn cho thấy, nhu cầu vay vốn của thanh niên để phát triển kinh tế hiện nay còn rất lớn. 

Đề xuất nâng mức cho vay 

Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức 3 đoàn khảo sát mô hình, dự án của thanh niên được vay vốn theo Nghị quyết 43 tại 8 huyện, thành phố. Đoàn đã khảo sát trực tiếp 40 mô hình và gửi 160 mẫu phiếu điều tra trong tổng số trên 500 mô hình khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh của thanh niên được vay vốn trong toàn tỉnh. 

Qua khảo sát, đoàn nắm bắt những hạn chế, khó khăn trong thực hiện quy định của Nghị quyết số 43 so với tình hình thực tế và nhu cầu vay vốn của thanh niên hiện nay. Đó là: nguồn vốn chưa đáp ứng được so với nhu cầu vay của thanh niên, mức vay còn thấp; khó khăn về tài sản đảm bảo khoản vay do thanh niên chủ yếu sống cùng bố mẹ, chưa có tài sản riêng nên còn nhiều thanh niên có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản bảo đảm cho khoản vay theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó là sự tác động của dịch COVID-19 đến các mô hình, dự án, nhất là đầu ra cho sản phẩm... 

Đồng chí Nguyễn Đức Hiệp, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Từ thực tế đó, Tỉnh đoàn đã phối hợp với các sở, ngành đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Nghị quyết số 43/2018/ NQ-HĐND và Đề án số 29/ĐAUBND về việc hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh. Trong đó sẽ đề xuất nâng mức vay không phải bảo đảm tiền vay từ 50 triệu đồng lên tối đa 100 triệu đồng/dự án; nâng mức vốn vay đối với 1 dự án tối đa từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng; nâng thời hạn vay vốn lên tối đa là 120 tháng. Qua đó nhằm tiếp sức cho thanh niên phát triển kinh tế, vững bước trên con đường khởi nghiệp; đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn vốn cho thanh niên hiện nay. 

Có thể thấy, nhu cầu về nguồn vốn của thanh niên để khởi nghiệp và phát triển sản xuất, kinh doanh hiện nay là rất lớn. Thiết nghĩ, việc điều chỉnh nâng mức cho vay, thời hạn vay đối với thanh niên theo Nghị quyết số 43 của HĐND tỉnh là cần thiết. Từ đó cổ vũ, tiếp sức cho thanh niên vượt qua khó khăn, dám nghĩ, dám làm, khát khao lập thân, lập nghiệp. 

Liên kết website