Với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, , phủ xanh những khoảng đất trông, góp phần bảo vệ môi trường, chị Tạ Thị Huệ, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biến vùng đất cằn của gia đình thành vườn cây trĩu quả.
Vừa làm kinh tế vừa tham gia hoạt động công tác Đoàn tại địa phương, chị Huệ có dịp được gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp và rất hứng thú với hướng đi này. Năm 2021, nhận thấy mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, chị đã vay mượn thêm từ người thân, bạn bè cải tạo lại khu đất của gia đình để trồng các loại cây ăn quả (Bưởi, hồng xiêm, ổi, nhãn…). Thời gian đầu khởi nghiệp, gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc, cây trồng kém phát triển, hay bị sâu bệnh phá hại, chị không nản chí, chủ động tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, Internet, tham khảo các mô hình trang trại trong huyện, tỉnh để áp dụng vào chăm sóc vườn cây.
Điều đặc biệt, ngay từ khi bắt tay trồng cây ăn quả, chị Huệ luôn tâm niệm phải thực hiện mô hình theo hướng an toàn. Vì vậy, trong quy trình chăm sóc, chị luôn sử dụng phân hữu cơ, nhổ cỏ, không sử dụng thuốc diệt cỏ. Nếu vườn cây ăn quả có biểu hiện nhiễm sâu bệnh, chị phun thuốc trừ sâu sinh học nhằm đảm bảo an toàn môi trường. Kiên trì, bền bỉ, không ngại khó, ngại khổ, sau 2 năm, vườn cây ăn quả của chị cho thu hoạch quanh năm, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình từ 200-300 triệu đồng/năm và tạo việc làm theo thời vụ cho hơn 10 đoàn viên thanh niên tại địa phương. Năm 2023, được sự quan tâm hỗ trợ từ tổ chức Đoàn, chị Huệ đã mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ nguồn vốn vay theo Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh để tiếp tục đầu tư cây giống, mở rộng mô hình.
Để trồng đa dạng các loại cây, chị chia đất của mình thành từng khu, mỗi khu đất chỉ trồng một loại cây chuyên biệt. Cách làm này bảo đảm khoảng cách trồng cây theo tiêu chuẩn và thuận tiện cho việc tưới nước, bón phân định kỳ, vì mỗi loại cây sẽ có một chu kỳ chăm sóc khác nhau.
Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Huệ còn là một cán bộ đoàn năng động, luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao và đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở. Đặc biệt, chị luôn giúp đỡ thanh niên trong xã về kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế, nhất là phát triển nông nghiệp bền vững.
Sự thành công bước đầu trong mô hình trồng cây ăn quả của chị Tạ Thị Huệ không chỉ phát huy được tiềm năng, lợi thế đất đai ở vùng đất Yên Thịnh, huyện Yên Mô mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ về ý tưởng lao động, sáng tạo; không ngại khó, ngại khổ trên công đường lập nghiệp.