TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 7/2021

Thứ Hai, 05/07/2021

 TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 7/2021

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

BÁC HỒ VỚI CÔNG TÁC ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA

 

Sinh thời Bác Hồ thường xuyên quan tâm đến Thương binh, Liệt sỹ và những người có công. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng Người vẫn còn nhắc nhở chúng ta “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng bào phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”. Đó là tấm lòng của Bác thể hiện một tư tưởng vĩ đại đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”.

Tuy vậy, ngày thương binh liệt sỹ đã được Bác Hồ khởi xướng từ đầu năm 1946 và chính Người là Hội trưởng danh dự của tổ chức mang tên “ Hội giúp binh sỹ bị nạn”, “Hội giúp binh sỹ bị thương”…và với các phong trào Mùa đông binh sỹ, dẫn đến văn bản pháp qui đầu tiên về các chế độ “Hưu bổng thương tật” và “tiền tuất cho thân nhân liệt sỹ” mà Chính phủ ban hành vào ngày16/2/1947 thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sỹ. Tháng 6/1947 tại xã Phú Minh, huyện Đại từ (Thái nguyên) Hội nghị của Chính phủ và các đoàn thể Trung ương đã quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Ngay tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng 5/1/1960 Bác Hồ không quên nhắc nhở: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến các Anh hùng, Liệt sỹ của Đảng ta, của dân ta…Máu đào của các chiến sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt tất cả mọi khó khăn,gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã chuyển lại cho chúng ta…”

Đúng ngày kỷ niệm 27/7/1947 đầu tiên, trong bức thư gửi Ban Tổ chức ngày kỷ niệm, Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào…Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…” Cuối thư, Người viết: “Tôi xin xung phong gởi chiếc áo lót lụa của chị em đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”. Ngày Thương binh 27/7/1948, Bác Hồ đã gửi thư đến Thương binh, gia đình liệt sỹ và đồng bào trong cả nước về sự thương cảm vô cùng sâu sắc. Bức thư có đoạn: “…Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay bố mẹ họ mất một người con yêu qúy. Vợ trẻ trở nên góa bụa. Con dại trở thành mồ côi, trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài liệt sỹ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sỹ sẽ không thể tái sinh”. Và cũng từ năm này Bác đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng cả nước kêu gọi các cháu thi đua làm công tác Trần Quốc Toản để giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ và những người neo đơn có hoàn cảnh khó khăn ở trong làng xã, thôn xóm của mình...Từ đó Phong trào Trần Quốc Toản trở thành một phong trào lớn đầy ý nghĩa của Đội góp phần đầy ý nghĩa vào sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của đất nước ta.

Từ năm 1949 đến năm 1954, mỗi năm đến ngày Thương binh Liệt sỹ. Bác Hồ ngoài thư thăm hỏi, không bao giờ quên gửi tặng quà Thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ. Trong lễ đặt vòng hoa đài tưởng niệm ở giữa vườn hoa bên cạnh quảng trường Ba Đình chiều ngày 31/12/1954, Bác Hồ đứng trước đài tưởng niệm liệt sỹ trầm hương nghi ngút bùi ngùi xúc động ứa nước mắt. Đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Bác đọc lời điếu của Người. Lời điếu có đoạn:“…Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ quốc kỳ vẻ vang càng thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền. “Một nén hương thành/Vài lời an ủi/Anh linh của các liệt sỹ bất diệt…”

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng các chính sách cụ thể và ngàycàng hoàn thiện hơn đối với các gia đình chính sách và người có công. Những chương trình vận động đóng góp xây dựng quĩ đền ơn đáp nghĩa, nuôi dưỡng và chăm sóc suốt đời các bà mẹVịêt Nam Anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng nhà bia tưởng niệm ghi danh anh hùng liệt sỹ để làm nơi giáo dục Truyền thống cách mạng cho thế hệ sau này và rất nhiều các chương trình như: miễn giảm viện phí, học phí, trợ cấp thường xuyên, trợ cấp đột xuất…Tất cả đã được ưu tiên cho các gia đình chính sách.

 

Trong Nghị quyết Đại hội, Đảng ta đã tiếp tục xác định trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân ta “Thực hiện chính sách ưu đãi xã hộivà vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Thương binh và cha mẹ, vợ con liệt sỹ, người được hưởng chính sách xã hội.” Làm tốt điều đó là chúng ta đã thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác đền ơn đáp nghĩa.


THEO DÒNG LỊCH SỬ THÁNG 7

Thang-7

NIỆM 7NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG (15/7/1950 – 15/7/2021)

 Sự ra đời và trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1950 -1954)

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, cách đây 71năm,ngày 15/7/1950, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, khi kháng chiến thành công, lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác”. Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 03 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng -ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn làm Đội trưởng. Đầu tháng 8-1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội TNXP công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ,…”

Ngày 20/3/1951, Bác Hồ đến thăm đơn vị Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Cù, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn và đọc tặng 4 câu thơ:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”

4 câu thơ của Bác là lời giáo huấn, là phương hướng tư tưởng và hành động cho lực lượng TNXP và thế hệ trẻ Việt Nam.

Từ kinh nghiệm hoạt động của Đội TNXP công tác Trung ương, Trung ương Đoàn đã thống nhất với Tổng Cục cung cấp tăng cường phát triển các Đội TNXP ở các địa phương để phục vụ kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn ở các địa phương đã tổ chức các Đội TNXP công tác ở khu, tỉnh, thành, huyện, xã phục vụ công tác kháng chiến ở địa phương,

Đội TNXP công tác Trung ương gồm 20 Liên phân đội với gần 3.000 cán bộ, đội viên (đến tháng 2/1953) đã phối hợp với các đơn vị TNXP địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch: Biên giới (Thu Đông 1950); Trần Hưng Đạo -Trung du (Đông Xuân 1950 -1951), Hoàng Hoa Thám -Đông Bắc (Mùa Xuân 1951), Quang Trung -Hà Nam Ninh (Xuân Hè 1951) Hòa Bình (tháng 10 -12/1951), Tây Bắc (Thu Đông 1952), Thượng Lào (1 -6/1953).

Bước vào Đông Xuân 1953-1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội TNXP để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”. Ngày 26/3/1953, Đội TNXP kiểu mẫu được thành lập để cùng Đội TNXP công tác Trung ương thực hiện nhiệm vụ trên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, cuối tháng 12/1953, hai Đội TNXP công tác Trung ương và Đội TNXP kiểu mẫu hợp nhất, thành lập Đoàn TNXP Trung ương (Đoàn XP), do đồng chí Vũ Kỳ -thư ký của Bác làm Đoàn trưởng. Đoàn XP được biên chế thành 04 Đội 34, 36, 38 và 40 với trên 10.000 cán bộ, đội viên. Đến 3/1954 Đoàn XP bổ sung thêm lực lượng, biên chế thành 05 Đội: 34, 36, 38, 40, 42 với trên 18.000 cán bộ, đội viên. Ở Liên khu V hàng vạn thanh niên các tỉnh đồng bằng ven biển đã hăng hái tham gia nhập TNXP, Tổng đội TNXP 204 được thành lập gồm hơn 4.000 cán bộ đội viên đã tham gia phục vụ Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và sát cánh cùng bộ đội giải phóng thị xã Kon Tum.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đoàn TNXP Trung ương được giao nhiệm vụ tập trung toàn lực lượng phục vụ Chiến dịch: Đội 36 (2.500 cán bộ, hội viên) làm nhiệm vụ phục vụ và tham gia bảo vệ các cơ quan Trung ương ở An toàn khu Việt Bắc (ATK); Đội 38 và 42 làm nhiệm vụ cơ động phục vụ chiến dịch trên địa bàn chiến khu Việt Bắc và các Chiến dịch khi có yêu cầu; Đội 34 và 40, với trên 16.000 cán bộ, đội viên làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường 6, 41; trên các tọa độ lửa như: Đèo Pha Đin, Ngã ba Cò Nòi, Cầu Tà Vài,… Lực lượng TNXP đã mở hàng chục km đường, vận chuyển hàng ngàn tấn quân trang, cứu được nhiều xe đạn pháo khi bị máy bay địch vây đánh, rà phá trên 1.000 quả bom mìn, cứu thương và vận chuyển hàng trăm thương binh, bộ đội hy sinh trên chiến trường; khi chiến dịch diễn ra quyết liệt đã có 8.000 TNXP chuyển sang bổ sung cho quân đội; tại mặt trận Điện Biên Phủ đã có trên 100 cán bộ, chiến sỹ TNXP anh dũng hy sinh. Vượt qua nhiều gian lao, thử thách, Đoàn XP và các đơn vị TNXP địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an toàn ATK, tham gia xây dựng các tuyến đường huyết mạch và vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến đấu. Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, Lực lượng TNXP đã được Bác Hồ tặng cờ thi đua mang dòng chữ “Dũng cảm, lập công suất sắc”; được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, 60 Huân chương các loại cho các tập thể và cá nhân, hàng nghìn cán bộ đội viên được tặng bằng khen và giấy khen của các ngành các cấp. Năm 2009, Lực lượng TNXP tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ và năm 2014, có 4 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tổng đội TNXP 204 Liên khu 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu trên chiến trường đường 19, Chiến dịch An Khê, Chiến dịch Bắc Tây Nguyên; đã có 2 chi đội, 23 chiến sỹ lập công xuất sắc được Bộ tư lệnh mặt trận phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua và Huân chương Chiến công.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có gần 5 vạn cán bô, đội viên TNXP hoạt động ngày đêm, sát cánh cùng các đơn vị Lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sỹ, … góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đã có trên 200 cán bộ, đội viên anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân TNXP đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc được khen thưởng, trong đó có: 320 chiến sỹ thi đua cấp đơn vị, 25 chiến sỹ thi đua và 4 đơn vị khá nhất toàn Đoàn TNXP, được Nhà nước tặng thưởng 3 Huân chương Kháng chiến hạng Hai, 2 Huân chương Kháng chiến hạng Ba, 10 Huân chương Lao động hạng Ba, 25 Bằng khen và 6 cờ thi đua khá nhất của Trung ương Đoàn, Bộ Giao thông công chính tặng cờ “Thi đua khá nhất”. Có 01 tập thể và 04 cá nhân Được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguồn: https://cuutnxpvietnam.org.vn/14211-2/

 

LỊCH SỬ, Ý NGHĨA CỦA NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SỸ (27/7/1947 – 27/7/2021)

 

Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 là ngày Lễ kỷ niệm được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm những người thương binh liệt sỹ đã hy sinh, mất mát qua những cuộc chiến. Qua đó tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay.

Lịch sử của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Tuy nhiên, do chính quyền cách mạng còn non trẻ nên thực dân Pháp đã âm mưu trở lại xâm lược nước ta.

Thực dân Pháp đã vào thay thế Tưởng Giới Thạch ở Bắc Bộ và âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa.

Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập cho đất nước, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Nhiều chiến sỹ, đồng bào ta đã bị thương và vĩnh viễn nằm lại chiến trường.

Nỗi đau bao trùm lên toàn dân tộc, nhiều gia đình mất đi cả chồng và các con. Nhiều người vợ trẻ chỉ hưởng hạnh phúc vỏn vẹn trong một ngày.

Để góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của gia đình các chiến sỹ, đồng bào, Chính quyền Việt Nam đã xú tiến vận động thành lập một tổ chức, lấy tên gọi là Hội giúp binh sỹ tử nạn.

Đầu năm 1946, Hội giúp binh sỹ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sỹ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sỹ tử nạn.

Chiều ngày 28/5/1946, Hội “Giúp binh sỹ bị nạn” tổ chức một cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát thành phố Hà Nội và Hồ Chủ Tịch đã tới dự.

Chiều ngày 11/7/1946, tại Nhà hát này đã có một buổi quyên góp quần áo, giày mũ cho chiến sỹ ngoài mặt trận, mở đầu cuộc vận động “ mùa đông chiến sỹ”. Tại đây, Bác Hồ đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng binh sỹ. 

Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn.

Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sỹ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. 

Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên.

Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sỹ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sỹ.

Sau khi xem xét, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với 2000 người tham gia tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch.

Hàng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sỹ.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ.

Ý nghĩa của ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7

Ý nghĩa chính trị:Ngày 27/2 hàng năm phản ánh sự đánh giá của Đảng, Nhà nước, nhân dân với những gia đình đã có người hy sinh vì Tổ Quốc.Qua đó, nhằm phát huy tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo.Cũng thông qua đó nhằm động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước.Công tác Thương binh Liệt sỹ và chính sách đối với những người có công với cách mạng chính là thể hiện tính ưu việt và bản chất của Đảng và Nhà nước ta.Tạo điều kiện củng cố niềm tin vào nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như sự quản lý của nhà nước.Góp phần tăng thêm tiềm lực cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và cơ sở để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần chống lại thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, bôi nhọ quá khứ hào hùng của dân tộc.

*Ý nghĩa nhân văn:Tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc. Thể hiện truyền thống nhân văn sâu sắc của dân tộc.Phát huy tinh thần "gia đình cách mạng gương mẫu" góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế.

Nguồnhttps://baodautu.vn/lich-su-y-nghia-cua-ngay-thuong-binh-liet-si-277-d67177.html

 

SỔ TAY NGHIỆP VỤ

 

Trong tài liệu sinh hoạt chi Đoàn tháng 07 năm 2021, chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, tổ chức Đoàn trên địa bàn tỉnh “Kỹ năng tổ chức trò chơi nhỏ”(tiếp theo):

III. KỸ NĂNG XỬ LÝ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG

1. Bắt đầu cuộc chơi tập thể mất trật tự, thiếu tập trung chú ý

Tình huống này thường gặp ngay cả trong các buổi sinh hoạt, hội họp của Đoàn, Hội, Đội. Để tạo sự chú ý ban đầu, quản trò có thể:

- Thực hiện một số băng reo “tràng pháo tay”; “mưa rơi”; “vỗ tay theo qui ước”,...

- Điều khiển một trò chơi thông qua bài hát cộng đồng mà mọi người đều thuộc.

- Dùng còi hay tiếng vỗ tay (tạo tiếng vỗ khác thường) để tập trung chú ý, sau đó thực hiện một vài trò chơi đơn giản.

- Sử dụng một vài “hình phạt vui” để buộc những người khác phải cố gắng để không phạm luật.

- Sử dụng nhóm “thành viên tích cực” (ngay từ đầu đã trật tự chăm chú lắng nghe) làm nòng cốt cho một trò chơi đơn giản. Khi đó những người khác buộc phải dừng các “việc riêng” khác, “tò mò” quan sát, sau đó sẽ tự nguyện nhập cuộc.

- Hát ngay một bài hát (không cần giới thiệu) rất tự nhiên và tỏ ra say sưa, từ đó tạo sự chú ý cho mọi người,...

2. Không khí nặng nề trầm lắng, người chơi rụt rè, thiếu mạnh dạn

- Nếu thực hiện ngay trò chơi sẽ dễ dàng thất bại

- Nên bắt đầu bằng một “trò ảo thuật” hoặc kể một câu chuyện tiếu lâm.

- Tiếp đó thực hiện một số trò chơi tương ứng.

- Tăng dần liều lượng những trò chơi mang tính chất thi đua giữa các nhóm. Khi các nhóm đã vào cuộc để giành thắng lợi là bạn đã thành công.

- Quản trò cũng có thể bắt đầu bằng cách cho cả tập thể hát một bài. Một bông hoa hay cái mũ được truyền từ tay người này sang người khác theo nhịp của bài hát. Khi bài hát kết thúc hoặc quản trò (quay mặt hướng khác) bất ngờ thổi một tiếng còi thì người đang cầm bông hoa hay cái mũ ở thời điểm đó sẽ là người bắt buộc phải hát một bài, cứ như vậy trò chơi tiếp tục.

3. Người chơi nhiệt tình, nhưng có sự ganh đua quá mức giữa các nhóm chơi

Đây là điều thường xảy ra, nếu như quản trò không có biện pháp xử lý thoả đáng thì cuộc chơi có thể mất hết ý nghĩa.

- Trước hết quản trò phải nhanh chóng phát hiện nguyên nhân. Thông thường là do luật chơi không chặt chẽ, quản trò thưởng phạt không công minh, người chơi khích bác chê bai nhau v.v...

- Sau khi phát hiện đúng nguyên nhân, quản trò công khai tuyên bố trước mọi người, rồi mới tiếp tục trò chơi cũ hoặc chuyển sang trò chơi mới và bắt đầu bằng những qui ước chặt chẽ, kín kẽ hơn.

- Khi chia nhóm chơi nên cử trưởng nhóm và chọn một số trọng tài “công minh” không nằm trong các nhóm chơi.

- Linh hoạt thay đổi trò chơi hay phương pháp điều khiển để tạo điều kiện cho nhóm nào cũng có thể thắng cuộc.

- Khi cuộc chơi ở mức cao trò, có thể chuyển sang các hình thức hoạt động khác tạo sự hoà hợp giữa các nhóm.

4. Người chơi mệt mỏi và bắt đầu tỏ vẻ chán chường

Có nhiều nguyên nhân như: Trò chơi quá khó, cuộc chơi quá dài hay luật chơi bắt một người phải lặp đi lặp lại nhiều động tác đứng lên, ngồi xuống, chạy, đổi vị trí,... trò chơi đơn điệu không hấp dẫn hoặc không phù hợp. Từ những nguyên nhân cụ thể mà quản trò lựa chọn biện pháp xử lý thích hợp. Nhưng nói chung có thể chọn một trò chơi thật nhẹ nhàng, hấp dẫn hay một bài hát tập thể để chấm dứt cuộc chơi. Cũng có thể chuyển sang thực hiện những trò chơi trí tuệ như “Đố vui có thưởng”“Hát đối” hoặc “Kể chuyện vui”.

5. Không khí trầm lắng thiếu sôi nổi

Đây cũng là tình huống thường gặp trong các buổi họp mặt hay trên đường đi tham quan, dã ngoại. Trong trường hợp nên sử dụng một số loại trò chơi như: “Nối từ” chia nhóm, nhóm này nêu ra một từ, nhóm tìm từ khác nối vào sao cho hai từ đó có nghĩa, cứ vậy cho đến khi nhóm nào không tìm được thì thua. Ví dụ: màu xanh - xanh tươi - tươi mát - mát mẻ - mẻ chua - chua ngoa - ngoa ngoắt... “hát liên khúc”“hát nối”“Đố vui”, thi kể chuyện tiếu lâm,...

6. Người chơi đề nghị thực hiện những trò chơi ngoài dự kiến

Trong trường hợp này quản trò nhanh chóng khéo léo thực hiện đề nghị đó, xem như đó cũng là trò chơi được dự định từ trước (nếu quản trò hiểu rõ những trò chơi đó). Cũng có thể khéo léo giới thiệu ngay người đề nghị điều khiển trò chơi cho tập thể, khi đó mình đóng vai “quản trò phụ”.

7. Chỉ định ai làm gì nhưng họ không thực hiện

Muốn thoát khỏi tình huống khó khăn này có ba cách như sau:

Thứ nhất, phát cho mỗi người một mẩu giấy trắng nhỏ. Người chơi với sự quen biết của mình trong tập thể sẽ ghi vào mẩu giấy của mình đề nghị ai đó làm một việc gì hợp với khả năng của họ. Quản trò thu lại và đọc từng mẩu giấy.

Thứ hai, dùng những trò chơi nhỏ để bắt lỗi. Những người bị phạm luật sẽ là những người buộc phải thực hiện một yêu cầu hợp lý của quản trò.

Thứ ba, quản trò chuẩn bị một số mẩu giấy trong đó ghi rõ yêu cầu phổ thông nhất: hát, kể chuyện, đọc thơ, cười, khóc,... Sau đó chọn một trong các mẩu giấy gài vào một bông hoa. Cả tập thể hát một bài và bông hoa được chuyển từ người này sang người khác. Khi bài hát kết thúc, bông hoa ở trên tay ai thì người đó sẽ mở mẩu giấy đọc cho mọi người biết và thực hiện yêu cầu ghi trên mảnh giấy đó.

8. Những người phạm lỗi không muốn thực hiện hình phạt của cuộc chơi

Trong trường hợp này có thể vì hình phạt ngoài khả năng của người phạm lỗi, cũng có thể vì nhút nhát không dám thực hiện hoặc do quản trò không nghiêm minh phạt những người phạm lỗi trước đó. Vì vậy trước hết quản trò chọn những hình phạt dễ thực hiện, chọn những trò chơi phụ để phạt như: “Phỏng vấn”“Tìm người yêu”“Tìm chỉ huy”,... Nếu người phạm lỗi quá nhút nhát có thể tiếp tục trò chơi khác để bắt lỗi tập thể và dùng hình phạt chung cho tập thể những người phạm lỗi, khi đó mọi người sẽ mạnh dạn thêm lên.

Ngoài 8 tình huống thường gặp nêu trên còn có biết bao những tình huống khác cần xử lý kịp thời. Bí quyết thành công là ở chỗ người quản trò nắm vững tâm lý, nhu cầu của người chơi, thường xuyên rèn luyện kỹ năng quản trò và thu thập, phân loại các trò chơi, thực sự “ham chơi” khi cần thiết.

IV. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG CẨM NANG TRÒ CHƠI

1. Sưu tầm trò chơi

Mỗi cán bộ Đoàn, Hội, Đội nên có bộ sưu tập trò chơi theo thể loại: Trò chơi dân gian, trò chơi sinh hoạt tập thể và trò chơi thể thao từ các nguồn sau:

- Các loại trò chơi đã được in thành sách.

- Các loại trò chơi đã được in trong các báo viết và giới thiệu trên truyền hình.

- Các trò chơi trong sinh hoạt cộng đồng mà bản thân được tham dự, được quan sát, sau đó ghi chép lại.

- Các trò chơi được người khác phổ biến lại,...

2. Tổ chức thi sưu tầm và điều khiển trò chơi

Thông qua các cuộc sinh hoạt cộng đồng, các lớp tập huấn cán bộ Đoàn, Hội, Đội có thể tổ chức cuộc thi sưu tầm và điều khiển trò chơi phục vụ cho từng chủ đề nhất định. Sau đó chọn lọc biên tập lại, nếu có điều kiện thì tổ chức chơi mà mỗi trò chơi đều do người sưu tầm đứng ra làm quản trò.

3. Sáng tác trò chơi

a) Tổ chức thi sáng tác trò chơi: Bằng phương pháp đã nêu trên có thể tổ chức cuộc thi sáng tác trò chơi trong cán bộ, đoàn viên, hội viên theo các hướng sau:

- Sáng tác trò chơi phục vụ cho từng đối tượng: thiếu niên, nhi đồng, thanh niên nông thôn, thanh niên trường học, thanh niên quân đội,...

- Sáng tác trò chơi theo chủ đề gắn với các ngày lễ lớn trong năm, gắn với các vấn đề dân số, sức khoẻ, môi trường và sinh hoạt thường ngày của các bạn trẻ.

- Sáng tác trò chơi phục vụ cho từng loại hình sinh hoạt như: Cắm trại dã ngoại, CLB gia đình trẻ, CLB ngoại ngữ, CLB toán, CLB thơ,...

Mỗi trò chơi khi sáng tác cần thuân thủ những quy định chặt chẽ: mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của trò chơi; đối tượng, số lượng người chơi, luật chơi, cách tổ chức.

Sau mỗi cuộc thi cần biên tập lại, bổ sung, sửa đổi và phổ biến cho mọi người thông qua chơi thử. Những trò chơi nào đạt yêu cầu cần đưa ngay vào bộ sưu tập.

b) Từ một trò chơi đã có, thiết lập nguyên tắc đưa ra nhiều trò chơi khác tương tự:Trên thực tế có những trò chơi hay có thể phát triển thành nhiều trò chơi khác(là hệ quả của nó) mà người chơi không cảm thấy bị trùng lặp. Bí quyết chính là ở chỗ tìm thấy nguyên tắc của nó rồi dựa vào từng hoàn cảnh, từng đối tượng cụ thể để hình thành các trò chơi khác.

4. Sưu tập các mẩu chuyện vui, các câu đố

Những mẩu chuyện vui, các loại câu đố dân gian hàng ngày là kho tư liệu quí cho chúng ta trong điều hành cuộc chơi. Người quản trò nhất thiết phải có vốn đó để sử dụng khi cần thiết như làm thư giãn cuộc chơi, hay chuyển sang trò chơi trí tuệ (đố vui) hoặc trò chơi mang tính vui chơi giải trí (thi kể chuyện vui),...

Ngoài những phương pháp trên có thể tận dụng mọi điều kiện, mọi nơi, mọi lúc để ghi chép những kinh nghiệm, tư liệu của người khác mà mình bất chợt bắt gặp hay những ý nghĩ xuất hiện trong đầu.

Nếu quan tâm thường xuyên đến những vấn đề trên bạn sẽ trở thành người quản trò “giàu có” - một hành trang không thể thiếu được của người cán bộ thanh thiếu thiếu nhi hôm nay.

 

CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH MỚI

 

Chúng tôi xin gửi đến các bạn đoàn viên thanh niên, các tổ chức Đoàn thông tin Chính sách mới nổi bật:

1. Thu hồi Sổ hộ khẩu và không cấp mới đối với người tách hộ

Thông thường, khi người dân thực hiện thủ tục tách hộ sẽ được cơ quan đăng ký cư trú cấp mới Sổ hộ khẩu. Nhưng kể từ ngày 01/7/2021, người thực hiện thủ tục tách hộ sẽ bị thu hồi Sổ hộ khẩu và không cấp mới theo Thông tư 55/2021/TT-BCA quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.

Theo đó, khoản 2 Điều 26 Thông tư 55 quy định như sau:

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Theo quy định này, khi người dân thực hiện thủ tục tách hộ dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu thì sẽ bị thu hồi sổ và không được cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu.

Ngoài ra, từ 01/7/2021, thành viên hộ gia đình được tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.

- Nơi thường trú của hộ gia đình không thuộc trường hợp địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo quy định.

* Hồ sơ tách hộ bao gồm:

Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó (đối với trường hợp tách hộ sau ly hôn).

* Thủ tục tách hộ

- Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú.

- Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ gia đình liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin (trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ). Trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Nguồn: https://thukyluat.vn/news/phan-tich-chinh-sach/tu-01-7-2021-thu-hoi-so-ho-khau-va-khong-cap-moi-doi-voi-nguoi-tach-ho-93076.html?ui=I=pFME1EQTTW&pi=09pBeU1TMHdOeTB3TVMweE1DMHdNUTTW

 

2. Công chức hành chính, văn thư không cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 2/2021/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 11/6/2021 về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Theo đó, từ ngày 01/8/2021, công chức chuyên ngành hành chính và văn thư không cần phải có chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học so với quy định hiện hành.

Thay vào đó, yêu cầu công chức chuyên ngành hành chính có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ phù hợp với từng ngạch cụ thể.

Hiện nay, công chức chuyên ngành hành chính và văn thư phải đáp ứng tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học như sau:

Yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với công chức chuyên ngành hành chính, văn thư theo quy định hiện hành

Công chức chuyên ngành hành chính (Thông tư 11/2014/TT-BNV)

Ngạch chuyên viên cao cấp

- Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4.

- Chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT (sau đây gọi là chứng chỉ tin học).

Ngạch chuyên viên chính

- Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 3.

- Chứng chỉ tin học.

Ngạch chuyên viên

- Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2.

- Chứng chỉ tin học.

Ngạch cán sự

- Chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 1.

- Chứng chỉ tin học.

Ngạch nhân viên

- Không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học.

Công chức chuyên ngành văn thư (Thông tư 14/2014/TT-BNV)

Ngạch Văn thư chính

- Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 3 (hoặc tương đương).

- Có chứng chỉ tin học.

Ngạch Văn thư

- Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 2 (hoặc tương đương).

- Chứng chỉ tin học.

Ngạch Văn thư trung cấp

- Chứng chỉ ngoại ngữ trình độ bậc 1 (hoặc tương đương).

- Chứng chỉ tin học.

 

Nguồn: https://nganhangphapluat.thukyluat.vn/co-gi-moi-hom-nay/tu-0182021-cong-chuc-hanh-chinh-van-thu-khong-can-co-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-2055?ui=I=pFME1EQTTW&pi=09pBeU1TMHdOeTB3TVMweE1DMHdPQTTW


Liên kết website