TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 5/2021

Thứ Hai, 03/05/2021

 TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 5/2021

 SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 5/2021 VỚI CHỦ ĐỀ

“TỰ HÀO TUỔI TRẺ THẾ HỆ BÁC HỒ”

 

- Chi đoàn lựa chọn hình thức sinh hoạt phù hợp như sinh hoạt trực tuyến để báo cáo kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tháng 4/2021, đánh giá những mặt ưu điểm và hạn chế trong tháng. Đối với chi đoàn tổ chức sinh hoạt tập trung cần tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid – 19.

- Triển khai nhiệm vụ trong tháng 5/2021 với những nội dung:

+ Tuyên truyền và tổ chức hoạt động hưởng ứng các Ngày lễ kỷ niệm của đất nước, dân tộc, của Đoàn, Hội, Đội; sự kiện chính trị bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

+ Tiếp tục tuyên truyền tốt các chủ trương, đường lối, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước, của tỉnh.

+Các cấp bộ Đoàn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Tự hào tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ” với các nội dung như: tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tri ân và tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, với phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế; tổ chức học tập 02 chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dành cho cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên năm 2021.

Tuyên truyền về kết quả, các mô hình sáng tạo, các gương thanh thiếu nhi, gương cán bộ Đoàn, Hội, Đội xuất sắc trên các lĩnh vực.

+ Tuyên truyền về đại dịch covid -19: Những tác động, hệ hụy và giải pháp ứng phó.

+ Tuyên truyền, biểu dương tinh thần, ý thức trách nhiệm của các đoàn viên thanh niên, các đơn vị tổ chức các hoạt động tình nguyện như: cấp phát khẩu trang miễn phí tại các địa điểm công cộng; tham gia dọn vệ sinh các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hoạt động bình thường tại địa phương; các trường học, khu vực đông dân cư sinh sống; hỗ trợ cơ quan chức năng phun thuốc sát trùng, khử khuẩn,... bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế tối đa sự lây lan.

+ Tuyên truyền, giáo dục đoàn viên thanh niên chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, với phương châm tự dự phòng là chính; đặc biệt là các biện pháp phòng ngừa chủ động vệ sinh cá nhân, nơi ở, gia đình, ăn chín uống sôi, tránh tiếp xúc với động vật hoang dã, nâng cao sức khỏe.

+ +Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật như: Luật xuất cảnh, nhập cảnh của Công dân Việt Nam; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, các văn bản quy phạm pháp luật về cấm nhập khẩu, tiêu thụ động vật hoang dã... để cung cấp kiến thức cần thiết cho đoàn viên thanh niên nhằm góp phần hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm trong cộng đồng.

+ Không được có hành vi phân biệt đối xử với người nước ngoài trong việc phòng chống dịch bệnh; phát hiện, đấu tranh kịp thời với những biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với sức khỏe, tính mạng của đoàn viên thanh niên; những đoàn viên thanh niên có hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi cá nhân; những hành vi che dấu thông tin hoặc tung tin không chính xác, gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng...

+ Kịp thời đăng tải, tuyên truyền các thông tin chính thống, đảm bảo chính xác để đoàn viên thanh niên nắm bắt; khuyến nghị không đăng các tin bài sai sự thật gây hoang mang trong dư luận. Đấu tranh và xử lý nghiêm cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên đăng tải các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận.

 

KỶ NIỆM 131 NĂM NGÀY SINH

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 -19/5/2021)

 

CHUYỆN KỂ BÁC HỒ: Tôi bao giờ cũng là… người yêu nước

 

          Để chuẩn bị lực lượng giành chính quyền, Đảng ta chủ trương thành lập trường đào tạo cán bộ quân sự và chính trị tại chiến khu Tân Trào. Trường được đặt tên là Trường Quân chính kháng Nhật. Khóa học đầu tiên khai giảng vào cuối tháng 4 năm 1945.

          Sau cách mạng tháng Tám, trường chuyển về Thông (Sơn Tây), lấy tên là Trường Huấn luyện cán bộ và bắt tay vào đào tạo khóa 6. Một thời gian sau trường đổi tên thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Đầu năm 1946, Bác đến thăm trường. Cả trường ùa ra đón vị cha già của dân tộc. Xe đỗ từ xa, Bác xuống đi bộ cùng với các đồng chí phụ trách trường và một số cán bộ đi theo. Người vào thăm nhà bếp, nhà ăn, khu vệ sinh, các phòng ở của học viên, rồi mới đến hội trường nói chuyện. Học viên của trường lúc này gồm nhiều cán bộ hoạt động bí mật có thành tích ở khắp cả ba miền đất nước, cũng có một số học viên còn trẻ tuổi, mới tham gia công tác sau khi cách mạng thành công. Đa số học viên đều chưa rõ lãnh tụ Hồ Chí Minh có phải là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc không. Vì vậy, khi Bác đến thăm trường, nhiều người muốn nhân cơ hội này thỏa mãn nỗi thắc thỏm đó.

Sau khi nói chuyện với bạn bộ và học viên, Bác ra xe đi về. Đó là cơ hội tốt để các học viên nhìn Bác cho rõ. Rất nhiều người chìa sổ tay ghi chép của mình ra xin chữ ký của Bác để làm kỷ niệm. Lúc đầu còn ít sổ, trước ký tên, Bác viết thêm dòng chữ như: “Cố gắng học tốt”, “Chăm chỉ học tập và rèn luyện”, “Học đi đôi với hành”… Về sau ai cũng chìa sổ ra Bác chỉ còn đủ thời gian ký tên. Khi cuốn sổ cuối cùng được Bác ký xong, thì thấy có một người đứng cạnh Bác, hỏi:

          - Thưa cụ, cháu chưa rõ Cụ là ai. Có phải Cụ chính là Nguyễn Ái Quốc không ạ?

          Bác cười độ lượng và cất giọng dịu hiền:

          - Xin các bạn nhớ cho, lúc nào và bao giờ tôi cũng là… người yêu nước.

          Theo sách Chuyện kể về Bác Hồ, NXB Giáo dục Việt Nam.




THEO DÒNG LỊCH SỬ

TIMELINE


HỎI - ĐÁP VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021 - 2026

 

Câu 1: Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”, như vậy, Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng cách thức nào?

alt

 

Điều 6 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”.

1. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, cụ thể:

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng việc thực hiện các quyền tự do, dân chủ được quy định trong Hiến pháp: quyền bầu cử, bãi nhiệm; quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước của công dân; quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; quyền tham gia xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền giám sát đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước.

- Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua các tổ chức chính trị - xã hội (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam) và tổ chức xã hội khác do Nhân dân lập ra khi các tổ chức này thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại Nhân dân; quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh; phối hợp với Chính phủ, chính quyền địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan; tham dự phiên họp của Chính phủ, các kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Ủy ban nhân dân khi bàn các vấn đề có liên quan.

2. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân; thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; thông qua các cơ quan Nhà nước, các thiết chế Hiến định (Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Chính quyền địa phương, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước); thông qua đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác được giao thực thi quyền lực nhà nước.

 

Câu 2: Quốc hội Việt Nam được ra đời từ khi nào? Đến nay đã có bao nhiêu nhiệm kỳ Quốc hội?

1. Lịch sử ra đời Quốc hội Việt Nam

- Tiền thân của Quốc hội Việt Nam là “Ðại hội đại biểu quốc dân” (được triệu tập tại Tân Trào, Tuyên Quang vào ngày 16/8/1945). Ðại hội đã thay mặt toàn dân nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Ðảng Cộng sản Ðông Dương, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới.

- Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Ngày 06/01/1946 cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong cả nước được tiến hành. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến,... đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình. Đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và cũng là sự kiện trọng đại, mở đầu thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

- Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã họp phiên đầu tiên của Nhiệm kỳ Quốc hội khoá I vào ngày 2 tháng 3 năm 1946.

2. Nhiệm kỳ Quốc hội

Nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội là 05 năm, kể từ ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa đó đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa sau.

Từ năm 1946 đến năm 2021, Quốc hội đã trải qua 14 nhiệm kỳ.

Câu 3:Tại sao nói Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam?

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân được thể hiện ở các mặt sau đây:

- Quốc hội là cơ quan nhà nước do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

- Quốc hội gồm các đại biểu đại diện cho các tầng lớp Nhân dân. Quốc hội là sự thể hiện rõ nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đại diện cho trí tuệ của Nhân dân cả nước.

- Quốc hội có nhiệm vụ phục vụ cho lợi ích chung của Nhân dân và dân tộc, nói lên tiếng nói của Nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước.

Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, bởi vì theo quy định của Hiến pháp, ở nước ta, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân, Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Quốc hội do Nhân dân bầu ra, là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của Nhân dân. Chỉ Quốc hội mới có quyền thể chế ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thành Hiến pháp, luật. Hiến pháp giao cho Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước

 Bạn đọc có thể tìm hiểu thêm và tải tài liệu tại trang web: https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/-tai-lieu-hoi-dap-phap-luat-ve-bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-va-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan-1491875829

Liên kết website