TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2021

Thứ Năm, 28/10/2021

TÀI LIỆU SINH HOẠT CHI ĐOÀN THÁNG 11/2021

 

HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

 

Bác Hồ với những lời dạy với giáo viên, học sinh Việt Nam

Chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta lại cùng nhau nhớ về những lời dạy, tình cảm, tư tưởng của Bác, những mong mỏi của Bác đối với đội ngũ giáo viên, học sinh của cả nước. Mỗi lời Bác để lại đều trở thành động lực to lớn để lớp lớp giáo viên, học sinh quyết tâm giành thắng lợi sự nghiệp giáo dục, có những bước phát triển mới theo tư tưởng và triết lý về giáo dục đậm chất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Những người anh hùng vô danh”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm việc mở mang dân trí, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Người đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước, với nhiệm vụ cực kỳ trọng đại là nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, là động lực của sự phát triển, đưa nước nhà tiến tới giàu mạnh, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Để phát triển nền giáo dục nước nhà, Bác Hồ luôn đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Người viết: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất…những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh… Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em Nhân dân, thì làm sao mà xây dựng CNXH được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Ðể làm tròn sứ mệnh vẻ vang ấy, người thầy giáo phải có phẩm chất tốt. Bác nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho ngành Giáo dục, ngày 15/10/1968, Bác Hồ nhắc lại các thầy, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên 3 điểm sau: Thứ nhất, thầy và trò phải luôn luôn nâng cao tinh thần yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, tǎng cường tình cảm cách mạng đối với công nông, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, triệt để tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận bất kỳ nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhân dân giao cho, luôn luôn cố gắng cho xứng đáng với đồng bào miền Nam anh hùng.

Thứ hai, dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật.

Thứ ba, các cô các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khoẻ và an toàn. Đề cao sứ mệnh của thầy cô giáo, trong thư Bác viết: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước ta đã và đang hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục. Năm 1982 đã lấy ngày 20/11 hàng năm làm “Ngày Nhà giáo Việt Nam”, thông qua nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, quan tâm và tạo điều kiện cho đông đảo đội ngũ thầy giáo, cô giáo được đào tạo chính quy, nâng cao chất lượng đời sống để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác.

Niềm hi vọng to lớn ở thế hệ trẻ của đất nước

Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho các em thiếu niên, nhi đồng – thế hệ trẻ của đất nước. Với Người, thế hệ trẻ chính là những mầm non, là niềm hi vọng cho đất nước phát triển tiến bộ, văn minh, hiện đại. Trong bức thư Bác gửi học sinh trong ngày khai trường vào tháng 9/1945 ngay sau ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, Bác viết: Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học - công nghệ và kinh tế - văn hóa đóng vai trò quyết định, Việt Nam với những chính sách mở cửa tích cực, đã và đang có những cơ hội hội nhập tốt nhất. Vì vậy, để nước Việt Nam phát triển được như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi mỗi người phải có trí tuệ, hiểu biết khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có tri thức, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Do đó, hơn lúc nào hết, thế hệ học sinh hôm nay cần phải ra sức học tập, tu dưỡng trở thành người có tài và có tâm, đủ năng lực để hội nhập đưa đất nước tiến lên, phù hợp với bước tiến của thời đại.

Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc... Qua đó, sẽ góp phần “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ  Tổ quốc và nhu cầu học tập của Nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.

Từ bức thư đầu tiên (9/1945) cho tới bức thư cuối cùng (10/1968), những lời của Bác đã trở thành di sản vô giá, là báu vật thiêng liêng của dân tộc ta, đất nước ta nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng. Mỗi lời nói đó đã khơi dậy lòng yêu nghề, niềm tự hào đối với nghề, tinh thần trách nhiệm của các thầy giáo, cô giáo, công nhân viên mà còn khơi dậy ý thức học tập của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay và mãi mãi về sau.

Trích: http://www.bqllang.gov.vn/

 

2. Những mẩu chuyện về Bác

Chiếc đồng hồ - Bài học về sự đoàn kết

Giữa mùa thu năm 1954, Bác đến thăm Hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Tại hội nghị, được biết có lệnh của Trung ương rút bớt một số cán bộ đi học lớp tiếp quản Thủ đô, ai nấy cũng đều háo hức muốn đi, nhất là những người quê ở Hà Nội. Bao năm xa nhà, nhớ Thủ đô, nay được dịp về công tác, ai ai cũng có nguyện vọng được đề nghị cấp trên chiếu cố. Tư tưởng cán bộ dự hội nghị có nhiều phân tán. Ban lãnh đạo ít nhiều thấy khó xử. Lúc đó, Bác lên diễn đàn, giữa mùa thu nhưng trời vẫn còn nóng, mồ hôi ướt đẫm hai bên vai áo nâu của Bác, Bác hiền từ nhìn khắp hội trường và nói chuyện về tình hình thời sự. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc này, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi các đồng chí cán bộ trong hội trường từng câu hỏi về chức năng của từng bộ phận trong chiếc đồng hồ. Ai cũng đồng thanh trả lời đúng hết các câu hỏi của Bác. Đến câu hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bộ phận nào là quan trọng? Khi mọi người còn đang suy nghĩ thì Bác lại hỏi:

- Trong cái đồng hồ, bỏ một bộ phận đi có được không?

- Thưa không được ạ.

Nghe mọi người trả lời, Bác bèn giơ cao chiếc đồng hồ lên và kết luận:

- Các chú ạ, các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, như các nhiệm vụ của cách mạng. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, điều cần phải làm. Các chú thử nghĩ xem: trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?

Chỉ trong ít phút ngắn ngủi, câu chuyện chiếc đồng hồ của Bác đã khiến cho ai nấy đều thấm thía, tự đánh tan được những suy nghĩ riêng tư của mình.

Cũng chiếc đồng hồ ấy, một dịp vào cuối năm 1954 Bác đến thăm một đơn vị pháo binh đóng ở Bạch Mai đang luyện tập để chuẩn bị cho cuộc duyệt binh đón mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau khi đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội, Bác đã dành một thời gian dài để nói chuyện với anh em. Bác lấy ở túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt, âu yếm nhìn mọi người rồi chỉ vào từng chiếc kim, từng chữ số và hỏi anh em về tác dụng của từng bộ phận. Mọi người đều trả lời đúng cả. Song chưa ai hiểu tại sao Bác lại nói như vậy?

Bác vui vẻ nói tiếp: “Đã bao nhiêu năm nay, chiếc kim đồng hồ vẫn chạy để chỉ cho ta biết giờ giấc, chữ số trên mặt vẫn đứng yên một chỗ, bộ máy vẫn hoạt động đều đặn bên trong. Tất cả đều nhịp nhàng làm việc theo sự phân công ấy”, nếu hoán đổi vị trí từng bộ phận cho nhau thì có còn là chiếc đồng hồ nữa không! Sau câu chuyện của Bác, anh chị em đều hiểu ý Bác dạy: Việc gì cách mạng phân công phải yên tâm hoàn thành.

Và Bác đã mượn hình ảnh chiếc đồng hồ quả quýt làm ví dụ để giáo dục, động viên những kỹ sư trẻ Trường Đại học Nông Lâm Hà Nội vào dịp dến thăm trường ngày 24/5/1959, khi Bác đang khuyên sinh viên phải yên tâm cố gắng học tập, Bác cũng lấy trong túi ra một chiếc đồng hồ quả quýt và hỏi mọi người từng bộ phận của đồng hồ, từ cái kim giờ, kim phút, kim giây đến các bộ phận máy và bánh xe bên trong đồng hồ.

Sau đó, Bác kết luận rằng mỗi một bộ phận có chức năng làm việc riêng, có thể người ngoài không thấy được nhưng đều có nhiệm vụ làm cho đồng hồ chạy và chỉ đúng giờ. Ngoài xã hội cũng vậy, sau khi học xong ra phục vụ các ngành nghề đều ngang như nhau, không ai cao sang hơn ai, cho nên các cháu phải cố gắng yên tâm học tập, học tập cho thật giỏi đề trở thành kỹ sư nông nghiệp giỏi phục vụ nền nông nghiệp nước nhà. Đến ngày nay, câu chuyện về chiếc đồng hồ đã được Giáo sư - Tiến sỹ Vũ Hoan, người sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Hà Nội khi xưa, được vinh dự gặp Bác vào lần đó, kể lại và truyền động lực cho những kỹ sư của thế hệ này.

Nguồn: Baophapluat.vn

THEO DÒNG LỊCH SỬ THÁNG 11

- 4/11/1909: Ngày sinh Đồng chí Hoàng Văn Thụ

- 07/11/1917: Kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga.

- 9/11: Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam.

- 18/11/1930: Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.

- 20/11/1982: Ngày Nhà giáo Việt Nam.

- 23/11/1940: Ngày Khởi nghĩa Nam kỳ.

- 23/11/1946: Ngày thành lập Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam.

       

        1. Ngày truyền thống

 

ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ - NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

 

(ĐCSVN) - Kỷ niệm 111 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2020) là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Link:http://www.dangcongsan.vn/thoi-su/dong-chi-hoang-van-thu-nguoi-cong-san-kien-trung-537039.html

 

CUỘC CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA THÁNG MƯỜI NGA NĂM 1917

Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Xô viết đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tiến trình lịch sử và cục diện thế giới; làm cho chủ nghĩa tư bản không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm thế giới. Đồng thời cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào cách mạng của giai cấp công nhân các nước, chỉ ra cho họ con đường đi tới thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản; mở ra một thời kì mới trong lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Mĩ la tinh.

Link: http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/su-kien-va-nhan-chung/cuoc-cach-mang-xa-hoi-chu-nghia-thang-muoi-nga-nam-1917-3320

 

TÓM TẮT VỀ LỊCH SỬ MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc ta. Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đã chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ trong Mặt trận Dân tộc Thống nhất để cùng nhau chống kẻ thù chung vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Link: http://mttqhanoi.org.vn/tom-tat-ve-lich-su-mat-tran-to-quoc-viet-nam.htm

 

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM

Ngày 20/11 từ lâu đã trở thành ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, thế nhưng không phải ai cũng biết lịch sử và sự ra đời của ngày ý nghĩa này.

Link:https://vtc.vn/nguon-goc-va-y-nghia-lich-su-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-d362711.html

 

KHỞI NGHĨA NAM KỲ, BIỂU TƯỢNG CỦA Ý CHÍ QUẬT CƯỜNG DÂN TỘC

Link: https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/13198302-.html


Untitled


TỔ CHỨC TRIỂN KHAI NGÀY PHÁP LUẬT NĂM 2021

Thực hiện Công văn số 8072-CV/TWĐTN-BTG ngày 06/10/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về việc tổ chức triển khai Ngày Pháp luật năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Nội dung tuyên truyền, hoạt động

- Tập trung quán triệt, phổ biến, tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ Nhất và thông tin về nội dung kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV; các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành hoặc lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong năm 2021, đặc biệt là Luật Thanh niên năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030; các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống Covid-19 và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; quyền, trách nhiệm của thanh niên.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trong xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật; các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phê phán, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật hoặc lệch chuẩn xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Hình thức triển khai

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu niên thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vào các nền tảng số. Các hoạt động cần đảm bảo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị, trong đó tập trung vào một số hoạt động sau:

- Xây dựng và tổ chức tuyên truyền về các ấn phẩm tuyên truyền trực quan, trên internet, mạng xã hội như tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, phướn, standee, tranh ảnh, đồ họa thông tin, bộ ảnh tuyên truyền, video clip, trailer, spot, phim ngắn, infographic, teaser... về hoạt động mang tính giáo dục pháp luật, nội dung về các Luật, những điểm mới sửa đổi, bổ sung. Thường xuyên cập nhật, gửi thông tin liên quan đến hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên về trang cộng đồng trên mạng xã hội facebook “Tỉnh đoàn Ninh Bình” thông qua tính năng nhắn tin trực tiếp trên trang hoặc gửi qua email banxaydungdoantdnb@gmail.com.

- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật thông qua sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi đoàn, đối thoại, hội thảo, hội nghị, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về pháp luật; tổ chức các cuộc thi viết, thi trực tuyến, thi vẽ, thi dưới hình thức sân khấu hóa tìm hiểu về pháp luật; tổ chức hoạt động đối thoại chính sách, pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho thanh niên. Lưu ý: các hoạt động được tổ chức phải đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19.

- Tôn vinh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

- Tích cực đăng tin, bài phản ánh hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021 trên trang mạng xã hội của đơn vị.

3. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2021 cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, tập trung tuyên truyền bắt đầu từ ngày 01/11/2021 đến hết ngày 30/11/2021; cao điểm từ ngày 05/11 đến ngày 18/11/2021.


Liên kết website