Hiệu quả việc triển khai Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh

Thứ Sáu, 26/03/2021

Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được ban hành ngày 12/12/2018 nhằm hỗ trợ các tổ chức do thanh niên làm chủ (hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) và đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có nhu cầu vay vốn để khởi sự doanh nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh. Thông qua đó mở rộng, tập hợp, đoàn kết thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn - Hội vững mạnh, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

alt
Lãnh đạo Tỉnh đoàn kiểm tra, thẩm định mô hình nuôi trồng tảo xoắn Spirulinna tại xã Đông Sơn, TP Tam Điệp
 

Trong những năm qua, Đoàn thanh niên tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ ĐVTN trên bước đường lập thân, lập nghiệp. Trong đó phát động, triển khai các mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên các lĩnh vực: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi thủy sản; hỗ trợ thanh niên đi đầu phát triển kinh tế hợp tác, mô hình liên kết, thành lập các câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp; đã có nhiều dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh của ĐVTN có cơ hội mở rộng quy mô, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho lao động trẻ ở địa phương.

Tuy nhiên, số dự án được tiếp cận nguồn vốn vay của thanh niên còn thấp so với nhu cầu và số lượng ĐVTN tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh; nguồn vốn cho  ĐVTN vay đầu tư phát triển kinh tế còn hạn chế, mức cho vay thấp vì vậy vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều thanh niên có chí vươn lên làm giàu tại quê hương, muốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh nhưng thiếu vốn, thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước...

Trước thực trạng trên, để hỗ trợ ĐVTN tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp và lập nghiệp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành hữu quan tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018  về quy định chính sách hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh cho thanh niên trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (Nghị quyết), giúp các tổ chức do thanh niên làm chủ (hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp) và ĐVTN có nhu cầu vay vốn để khởi sự doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 16/4/2019 về việc phê duyệt phương án quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách của tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Tỉnh đoàn ban hành Quyết định số 97- QĐ/TĐTN, Quyết định số 234 - QĐ/TĐTN về phân bổ nguồn vốn vay trong 2 năm 2019, 2020; ban hành các văn bản triển khai thực hiện nghị quyết, đề án, hướng dẫn thủ tục, trình tự giải ngân nguồn vốn tới ĐVTN.

Chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến ĐVTN và nhân dân nội dung của Nghị quyết, quy trình, điều kiện, thủ tục vay vốn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, các trang fanpage, zalo, facebook của tổ chức đoàn. Chỉ đạo các huyện, thành Đoàn tổ chức rà soát các mô hình thanh niên làm kinh tế, thanh niên có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, từ đó hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên thực hiện ý tưởng; chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội các huyện, thành phố trong công tác rà soát, thẩm định, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên lập hồ sơ đối với những mô hình, dự án đủ điều kiện vay vốn. Phối hợp với các ngành chức năng có liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp cho thanh niên, tổ chức tập huấn, nghiệp vụ quản lý nguồn vốn ủy thác cho cán bộ đoàn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn; tổ chức hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật, triển lãm giới thiệu sản phẩm của thanh niên; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong độ tuổi thanh niên phát triển thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa...

Với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối kết hợp chặt chẽ của các sở ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã rà soát, thẩm định và ra quyết định giải ngân 151 mô hình, dự án do ĐVTN làm chủ (năm 2019: 62 mô hình; năm 2020: 89 mô hình), giải quyết việc làm hằng năm cho gần 1.000 lao động tại địa phương, doanh thu ước đạt trên 50 tỷ đồng; mức thu nhập bình quân đầu người ổn định từ 4 - 6 triệu đồng/ tháng, nhiều mô hình, dự án của thanh niên có mức thu nhập bình quân/năm đạt hàng trăm triệu đồng. Các mô hình dự án, được thẩm định lựa chọn từ cấp cơ sở và đảm bảo các điều kiện vay vốn với nhiều ngành nghề khác nhau: Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ về cây trồng, con nuôi, mô hình dịch vụ du lịch, may mặc, thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Nhiều mô hình, dự án của thanh niên khi được tiếp cận nguồn vốn đã đầu tư khởi nghiệp, đa phần các mô hình dự án đang được ĐVTN thực hiện được đầu tư thêm mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi, xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất kinh doanh, một số mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao tiêu biểu như: Đoàn viên Nguyễn Quốc Nam, Phố 7, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh với dự án Mở rộng mô hình trồng nông sản sạch, số tiền vay 400 triệu đồng; đoàn viên Nguyễn Văn Biên, thôn 3, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp với dự án Nuôi trồng tảo xoắn Spirulinna, số tiền vay 350 triệu đồng; đoàn viên Nguyễn Công Tấn, thôn Đại Hòa, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, với dự án chăn nuôi gà đông tảo, số tiền vay 300 triệu đồng; đoàn viên Trương Văn Chúc, thôn Đông Lộc, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô với dự án sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, xuất khẩu, số tiền vay 200 triệu đồng; đoàn viên Ngô Minh Đạt, Xóm 5, Xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn với dự án trồng Nấm đông trùng hạ thảo, số tiền vay 200 triệu đồng và một số mô hình mới ứng dụng công nghệ cao như mô hình sản xuất tảo soắn ở Tam Điệp, Đông trùng  hạ thảo ở Gia Sinh, Gia Viễn...

Nghị quyết số 43/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh được ban hành và đi vào đời sống đã khuyến khích, tạo động lực cho ĐVTN mạnh dạn trong học tập, lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khởi nghiệp, lập nghiệp. Các địa phương, đơn vị đã chủ động thành lập được các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ tiết kiệm và vốn vay, các câu lạc bộ, doanh nghiệp do thanh niên làm chủ, góp phần xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn - Hội ở cơ sở. Việc hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm là giải pháp quan trọng thu hút, tập hợp đoàn kết thanh niên, đưa thanh niên vào tổ chức đoàn, hội; giải quyết được tình trạng thất nghiệp, giảm tỷ lệ thanh niên mắc vào tệ nạn xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

Hoàng Ngọc Hòa
                                   Phó Bí thư Tinh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh NB
Cùng chuyên mục
Liên kết website