Sau hàng chục ngày không phát sinh thêm ca bệnh dương tính với dịch bệnh Covid-19, đêm ngày 7/3, tại Hà Nội đã có ca bệnh thứ 17 và Ninh Bình tiếp tục xuất hiện ca bệnh dương tính thứ 18 với vi rút SARS-CoV-2. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều người dân trong tỉnh, nhất là ở thành phố Ninh Bình đã đổ xô đi các chợ, siêu thị, cửa hàng... mua đồ dùng, thực phẩm tích trữ, khiến xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Chị Đinh Thị Phương, phường Thanh Bình tay xách nách mang một làn nặng với 3 kg thịt lợn, hơn 1 kg thịt bò, 1 con gà làm sẵn và nhiều túi cua, cá, tôm... cùng nhiều loại củ, quả như su hào, khoai tây, bí xanh, cà rốt... Chị Phương cho biết, tranh thủ khi giá các mặt hàng thực phẩm chưa tăng giá, chị mua tích trữ và một phần gửi cho con gái đang làm việc tại Hà Nội.

Điều đáng nói là có khá nhiều người có chung tâm lý như chị Phương khi lo sợ dịch bệnh Covid-19 làm khan hiếm hàng hóa, nên mua tích trữ các đồ dùng, thực phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống. Tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, quầy hàng hoa quả... lượng người mua cũng đông hơn mọi ngày rất nhiều.

Chị Hoàng Thị Hiền, chủ cửa hàng Hiền Quang, phường Nam Bình cho biết, từ chiều ngày 7/3, chị bất ngờ khi thấy người mua hàng đông hơn nhiều lần. Chị phải huy động thêm chồng và con để lấy hàng, tính tiền cho khách. Chị Hiền cho biết, toàn là khách quen của cửa hàng, ai cũng bảo đến mua thêm các đồ dùng, đồ ăn sẵn để phòng dịch bệnh, nên các mặt hàng như mì tôm, cháo gói, ngũ cốc ăn sẵn, giấy ăn, giấy vệ sinh, các loại sữa bánh, lương khô, gia vị... được hỏi mua rất nhiều.
Giá các mặt hàng không tăng, nhưng hầu như đều bán vãn, có những mặt hàng đã hết như mì tôm, giấy ăn, nước rửa tay..., cửa hàng phải gọi thêm của các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển đến nhưng hầu như không nhập được nhiều.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người dân trong tỉnh đã đổ xô đi mua thực phẩm và mặt hàng thiết yếu để dự trữ khiến cho thị trường có nhiều biến động. Người đại diện Siêu thị Vinmart cho biết: Trong ngày hôm nay số lượng hàng hóa tiêu thụ tại siêu thị đã tăng đột biến, đặc biệt là những mặt hàng như giấy vệ sinh, thực phẩm tươi sống, mỳ tôm... đến cuối này 7/3 siêu thị đã chính thức thông báo hết một số mặt hàng mỳ tôm và dán thông báo mỗi khách hàng chỉ được mua 1-2 cuộn giấy vệ sinh.
Tình trạng nhiều người dân trong tỉnh đổ xô đi mua hàng hóa thực phẩm đã diễn ra ở nhiều cửa hàng, siêu thị trong tỉnh, thậm chí ở các vùng quê. Chị Nguyễn Thanh Hương, chủ đại lý tại huyện Gia Viễn cho biết: Trong ngày hôm nay cửa hàng đã bán hết hơn 100 thùng mỳ tôm. Đến cuối giờ chiều số khách hàng đến hỏi mua rất đông nhưng chúng tôi không còn hàng bán.

Mặc dù hàng hóa khan hiếm nhưng chúng tôi không tăng giá và cũng khuyến cáo khách hàng không nên dự trữ quá nhiều. Chúng tôi đã gọi đến công ty phân phối để đặt hàng mỳ tôm và dự kiến thứ 2 sẽ có hàng về để phục vụ người dân.
Mặc dù có những người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, nhưng cũng có nhiều người nắm được thông tin dịch bệnh, biết được thị trường hàng hóa và hiểu được tình hình thực tế thời điểm như thế này thường tăng giá hàng nên không mua nhiều, vẫn mua như yêu cầu cần dùng hàng ngày.
Chị Thái Hà, phường Bích Đào chia sẻ, tôi thấy đôi khi chúng ta tích trữ đồ dùng, đồ ăn còn vì tâm lý đám đông, thấy người ta mua, mình cũng phải mua cho yên tâm, từ đó xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hiếm hàng và nhiều chủ hàng tăng giá bán kiếm lời.

Về phía Sở Công thương, ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở khẳng định: Sở đã chỉ đạo các siêu thị và doanh nghiệp đầu mối cung ứng hàng hóa trong tỉnh đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân đối với các mặt hàng thiết yếu. Ngày hôm nay Sở cũng đã tiến hành kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp và siêu thị trong tỉnh báo cáo về việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân.
Qua nắm bắt tình hình cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động hàng hóa từ trước Tết nguyên đán và đến nay lượng hàng hóa còn khá dồi dào đủ để đáp ứng với số lượng lớn nên không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay việc doanh nghiệp đầu cơ tích trữ hàng để tạo hiện tượng khan hiếm giả. Các doanh nghiệp đầu mối cũng cam kết sẽ không tăng giá trong dịp này tránh gây hoang mang trong cộng đồng.
Giám đốc Sở Công thương cũng khuyến cáo người dân nên bình tĩnh trước các thông tin về dịch bệnh để dự trữ lượng hàng hóa cho phù hợp, đủ dùng. Tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông để mua sắm ồ ạt dẫn đễn hiệu ứng không tốt cho thị trường tạo điều kiện cho gian thương trục lợi.

Đại diện ngành Y tế cũng khuyến cáo, người dân cần hạn chế tới nơi đông người, rửa tay thường xuyên theo hướng dẫn. Tham khảo chế độ ăn uống để nâng cao sức đề kháng của bản thân và gia đình. Đặc biệt cần theo dõi nguồn thông tin chính thống, tránh gây hoang mang, lo lắng thái quá.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, bình tĩnh, tin tưởng vào ngành y tế, cơ quan chức năng, giúp cơ quan chức năng, ngành y tế xử lý, khống chế và chiến thắng dịch bệnh.
- 31/03/2020 08:27 - Thủ tướng: Cách ly 15 ngày trên phạm vi toàn quốc từ 0 giờ ngày 1/4
- 20/03/2020 01:16 - Lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính số 76
- 19/03/2020 01:36 - Ghi nhận qua những ngày đầu thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng phòng, dịch bệnh Covid-19
- 19/03/2020 01:34 - Dịch COVID-19: Từ quyết sách của Chính phủ, lan tỏa tính nhân văn
- 10/03/2020 06:41 - Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới
- 09/03/2020 01:13 - Ninh Bình phong tỏa một số cơ sở lưu trú
- 05/03/2020 08:20 - Ghi nhận những ngày đầu học sinh trở lại trường học
- 05/03/2020 08:18 - Có 730 trường hợp từ nước ngoài về được cách ly tại Ninh Bình
- 05/03/2020 08:17 - Ninh Bình tiếp nhận thêm 177 người về từ Hàn Quốc
- 13/10/2017 10:44 - Nội dung Công văn của Ban Thường vụ tỉnh đoàn về việc tổng hợp thiệt hại và tổ chức khắc phục hậu quả do lũ lụt gây ra